Tiểu sử tóm tắt Tiến sĩ “Vũ Hữu Lợi”

     Cụ Nghè Dao Cù tên chữ là Vũ Ngọc Tuân, khi đi thi đổi là Vũ Hữu Lợi, biệt hiệu: “Nam Dao mộng Thiên Tử”. Sinh ngày 08 tháng 08 năm Bính Dần (1836) tại thôn Dao Cù Trung -Tổng Sa Lung – huyện Nam Chân – Phủ Xuân Trường ngày xưa, nay là xã Đồng Sơn – huyện Nam Trực – Tỉnh Nam Định. Cụ xuất thân trong một gia đình nho giáo nghèo ở nông thôn, nhưng có truyền thống học giỏi đỗ cao. Cụ thân sinh là Kép – Châu, đỗ tú tài 2 lần, em ruột là Vũ Ngọc Thựu cũng đỗ tú tài.

     Lúc còn nhỏ cụ rất chăm học, đi chăn trâu cũng viết chữ xuống đường để học, chẳng bao lâu Vũ Hữu Lợi đã nổi tiếng trong làng là người thông minh, học giỏi. Nhờ sự giúp đỡ của bà Cai Can thuộc chi 1 dòng họ cụ Mền Hòa ở thôn Cốc Thành, xã Nghĩa Đồng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định nuôi cho cụ ăn học, lúc đầu theo học cụ cử nhân Vũ Trọng Uy ở làng Bái Dương, sau được gửi lên học Tiến sỹ Vũ Văn Lý ở làng Vĩnh Trụ nay thuộc xã Đồng Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, tiếp theo học lớp đại tập do Hoàng Giáp Phạm Văn Nghị mở ở Tam Đăng nay thuộc xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

     Năm 30 tuổi cụ lấy vợ sinh được một người con trai tên là Vũ Ngọc Ru, một người con gái thường gọi là bà Đồ Nghệ.

     Năm Canh Ngọ (1870) Vũ Hữu Lợi thi đỗ cử nhân, năm 1875 Triều Vua Tự Đức thứ 28, ông thi đỗ Đệ Tam Giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Ất Hợi, được khắc bia ở kinh đô Huế, được ban cờ và biển: “Ân- Tứ- Vinh- Quy”, được bổ làm Tá lý binh bộ kiêm Thượng biện tỉnh Nam Định.

     Cụ đỗ Tiến sỹ được 7 ngày thì vợ mất, sau này ông lấy con cụ Bá kiến con một phú hộ ở Tuyên Quang, sinh thêm được 4 con trai và 1 con gái, hiện còn 1 chắt nam, 2 chắt nữ và 6 chút, trong đó có ông Vũ Hữu Bách, Vũ Hữu Lý đang trông coi Từ đường thờ cúng cụ.

     Năm 1883 triều đình nhà Nguyễn đầu hàng thực dân Pháp ký hòa ước Quý Mùi thừa nhận quyền đô hộ của Thực dân Pháp, chúng bắt ta phải bãi binh. Không chịu được sự nhục nhã đó, nhiều người đương làm quan đã nạp ấn tín trả lại triều đình, lúc này ông Vũ Hữu Lợi đương giữ chức Tá lý bộ binh, một chức vào hàng Nhị phẩm ngang với Tuần phủ cũng lấy cớ có mẹ già bỏ chức về quê chăm sóc mẹ, tuy ở quê nhà, nhưng lòng yêu nước căm thù giặc của Vũ Hữu Lợi luôn nung nấu sôi sục.

     Sau khi thành Huế thất thủ, Vua Hàm Nghi phải rời ra Sơn Phòng – Quảng Trị hạ chiếu kêu gọi Cần Vương, các thân hào, nhân sỹ trong nước đua nhau hưởng ứng rất đông.

     Tháng 8 năm Hàm Nghi thứ hai (1886) Vũ Hữu Lợi cũng được nhận tờ dụ của Vua Hàm Nghi kêu gọi sướng nghĩa và phong cho ông chức Tham tán Quan vụ, ông liền bí mật đứng ra chiêu mộ dũng sỹ chuẩn bị khởi nghĩa đánh giặc, hào kiệt ở các nơi đã kéo về theo ông hàng nghìn người. Việc làm bí mật của ông nhưng không tránh khỏi con mắt cú vọ của bọn chó săn bán nước, chúng liền báo cho tên Vũ Văn Báo đương làm Tổng đốc Định Yên (Nam Định-Hưng Yên) lập mưu cho tên Trần Văn Sự tay sai chui vào tổ chức nghĩa quân để do thám tình hình. Vũ Văn Báo đã đích thân về làng Dao Cù gặp Vũ Hữu Lợi để dụ dỗ mua chuộc, nhưng Vũ Hữu Lợi  đã trả lời bằng 2 câu thơ:

“Hoang thôn hoa thảo Thiên Thùy Lệ

Cố quốc lâu đài địa khởi lân”

     Ý trách triều đình khinh rẻ kẻ bán nước, cha con Vũ Văn Báo sa sầm mặt rút về Nam Định.

     Rồi đến ngày 20 tháng Chạp năm Bính Tuất, Vũ Văn Báo đi trình với tên Công sứ Pháp tỉnh Nam Định, đưa quân đi bao vây Ban lãnh đạo của nghĩa quân. Do tên Sự tay sai dẫn đường về nhà Mục Đức ở Đồn Thủy – Nam Định vây đánh. Bị đánh bất ngờ, hầu hết ban lãnh đạo nghĩa quân đều bị bắt, Vũ Hữu Lợi sợ liên lụy đến nhân dân đã cải trang chạy ra cánh đồng làng Trung Quyên thuộc huyện Thượng Nguyên để tìm đường về Nam Trực thì bị bắt, chúng cho giải về giam tại Đề Lao – Nam Định. Chính tên Vũ Văn Báo đã tra tấn Vũ Hữu Lợi rất dã man nhưng ông nhất định không công khai, trước quân thù Vũ Hữu Lợi vẫn giữ được khí tiết của mình, ông rất khẳng khái, trước sau như một không một lời van xin, không một lời khai báo.

     Thực dân Pháp và bọn Việt gian bán nước tìm mọi cách để mua chuộc hòng lung lay tinh thần yêu nước của Vũ Hữu Lợi. Đến 29 tháng Chạp năm Bính Tuất chúng cho cô Đào Lan và một người kép vào nhà tù hát cho cụ nghe hòng mua chuộc cụ lần cuối cùng nhưng cụ lại sáng tác bài ca trù cho cô Đào Lan hát trầu cụ.

     Biết rằng không thể mua chuộc được Vũ Hữu Lợi, để lâu sợ sinh biến chúng kết án tử hình và đã xử chém cụ vào chiều ngày 30 tết năm Bính Tuất (tức tháng 01/1887).

     Khi đến bãi xử chém tên đao phủ bắt cụ quỳ xuống bên cọc sơn vôi, cụ khẳng khái đáp: “Ta tựu nghĩa ung dung cứ để ta ngồi xếp bằng không phải quỳ, phải trói, chú cứ làm cho gọn, cho mát tay ta cảm ơn”, thật là một khí phách anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.

     Sau khi cụ mất, bạn bè đã viếng nhiều câu đối nói lên khí phách anh hùng của tiến sỹ, nhân dân làng Dao Cù Trung xã Đồng Sơn huyện Nam Trực lập bài vị thờ cụ ở đền làng, năm 1971 thủ đô Hà Nội đã dành một đường phố đặt tên là phố Vũ Hữu Lợi nối từ phố Yết Kiêu ra đường Nam Bộ bài 100 m. Năm 1990 nhà nước đã công nhận đền Dao Cù thờ Tiến sỹ Vũ Hữu Lợi là Di tích lịch sử văn hóa. Năm 2005 tỉnh Nam Định đã lấy đoạn đường từ cầu Đò Quan về xã Nam Vân đặt tên là đường Vũ Hữu Lợi.

     Năm 2008, huyện Nam Trực đã xuất bản cuốn sách cụ Nghè Dao Cù Vũ Hữu Lợi. Hàng năm, nhân dân làng Dao Cù Trung xã Đồng Sơn vẫn tổ chức mít tinh kỉ niệm ngày sinh của Tiến sỹ vào ngày 8 tháng 8 âm lịch.

Một số hình ảnh

42778431_231743857699681_1881601786280673280_n

.

42663227_490497161360925_5505745119640289280_n

.

42675090_2185514891665240_4257067860335001600_n

Ban biên tập Phòng GD&ĐT