Thầy cô trường làng thời 4.0

.

Trong bài viết đăng trên số báo Khoa học và Phát triển trước, ông Đỗ Hoàng Sơn, một thành viên của Liên minh STEM Việt Nam, đã nói về vai trò của văn hóa đọc trong phát triển giáo dục STEM từ những quan sát trực tiếp của ông ở một số địa phương.

.

          Trong bài viết tiếp theo dưới đây, ông nói về những nhân tố đã giúp một số ngôi trường làng triển khai thành công giáo dục STEM ngay cả trong điều kiện chưa có ngân sách đầy đủ.
          Đầu năm học 2015-2016, lãnh đạo một trường tiểu học tư thục nổi tiếng của Hà Nội cử 3 cô giáo hiệu phó và hai cô thủ thư về trường tiểu học Nam Đồng, nơi cô Lê Thị Hạnh khi đó đang làm hiệu trưởng, để tìm hiểu cách tổ chức CLB STEM và các tủ sách trong lớp học.
          Trường tiểu học Nam Đồng có thư viện khá đẹp và ngăn nắp, sách được đánh dấu phân loại có hệ thống rất khoa học, đặc biệt là ở mỗi lớp đều có một tủ sách do các cựu học sinh, học sinh và cha mẹ học sinh góp sức xây dựng. Thư viện và tủ sách lớp học không phải là điều mới đối với các cô giáo Hà Nội nhưng việc vận hành, quản lý thư viện và các tủ sách cùng các hoạt động khuyến đọc của toàn trường trong giờ chào cờ và 1 tiết sinh hoạt đọc sách mỗi ngày theo thời khoá biểu là điều các cô giáo Hà Nội rất ấn tượng. Vào cuối ngày, học sinh cũng có thể ngồi trên lớp đọc sách cho đến khi bố mẹ đến đón. Theo cách như vậy, những học sinh chăm đọc có khoảng gần 8 giờ mỗi tuần để đọc sách, một con số khiến cho những giáo viên Hà Nội trăn trở nhiều với văn hoá đọc hơi giật mình. Với khoảng thời gian từ 4-8 giờ/tuần được tiếp xúc với việc tự đọc sách thì khi về nhà, học sinh nông thôn không cần đọc thêm nữa mà có thể làm những việc khác.
          Văn hóa đọc sách đã được thiết kế rất có chủ ý trong điều kiện hạn hẹp của trường làng. Bài học mà các giáo viên Hà Nội nhìn thấy rõ ở trường làng Nam Đồng là việc học sinh có thật sự đọc sách hay không là do hiệu trưởng và các giáo viên có quan tâm hay không chứ không phụ thuộc vấn đề phải có tiền để mua sách vì sách cũng rẻ thôi, ở bậc tiểu học, mỗi tủ sách lớp học với 30-50 cuốn sách chỉ tốn khoảng 1-2 triệu đồng.
          Khi đi thăm các lớp học trên tầng 2, các cô giáo Hà Nội nhìn thấy một giá sách nhỏ ở chiếu nghỉ, trên giá không có sách nhưng lại có rất nhiều sản phẩm được làm từ vật liệu tái chế, nổi bật là những vỏ chai nhựa có lắp cánh bằng bìa hay chính là những quả tên lửa nước. Thì ra nhà trường cố tình bày các sản phẩm của CLB STEM ở đó như một cách quảng bá cho CLB này. Một lần nữa, các cô giáo Hà Nội lại bị thuyết phục trước thực tế là không cần có ngân sách nhà nước hay quyên góp tốn kém, CLB STEM ở trường làng vẫn có thể hoạt động với chi phí thấp như nước lã. Hỏi ra mới biết, dù chưa được tập huấn bài bản về STEM nhưng các thầy cô và cô hiệu trưởng cùng một số học sinh của trường đã có duyên được tham gia trải nghiệm học STEM ở Ngày hội STEM 2015 do Bộ KH & CN bảo trợ và cộng đồng STEM tình nguyện tổ chức lần đầu ở ĐH Bách Khoa Hà Nội. Ngày hội đã mang lại cho các cô giáo nhận thức rằng STEM cần cho học sinh, STEM đơn giản và khả thi vì chi phí thấp cũng làm được.
.
So-10--Giao-duc--Do-Hoang-Son-1Cuộc thi robot cấp huyện lần thứ 2 với sự tham gia của 22 trường làng huyện Nam Trực (Nam Định) để chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2018. Học sinh phải lập trình cho robot dùng cảm biến siêu âm dò đường để đi ra khỏi mê cung của các vách ngăn, sau mỗi vòng thi đấu, đề bài thi do các thầy cô giáo tự soạn lại khó lên. Ảnh: ĐHS
.
          Trong bữa cơm trưa với các cô giáo Hà Nội, các thầy cô ở Phòng GD & ĐT Nam Trực nói khá rõ về kế hoạch phát triển tủ sách trong từng lớp học của toàn huyện trước rồi mới đến việc nhân rộng mô hình STEM đang được thử nghiệm ở quy mô CLB như ở trường cô Hạnh.
          Như vậy là trong chỉ có một ngày chủ động tìm hiểu những sáng kiến đáng quý ở nông thôn, các cô giáo Hà Nội đã thu thêm được nhiều kinh nghiệm, nhưng điều quan trọng nhất mà các cô nhận thấy, đó là chìa khoá để giải quyết hai vấn đề ĐỌC SÁCH và STEM nằm ở chính nhận thức và sự cầu thị của các hiệu trưởng cũng như lãnh đạo phòng GD&ĐT, chứ không ở vấn đề tài chính. Điều này nhiều khi đi học hỏi ở nước ngoài lại không dễ nhận ra, vì ta dễ nhầm tưởng rằng Tây làm được vì họ giàu, có nhiều tiền để đầu tư.
NHỮNG NGƯỜI THẦY ĐỨNG SAU HỆ SINH THÁI GIÁO DỤC STEM
          Tháng 9/2016, Phòng GD&ĐT quận Kiến An (Hải Phòng) đã tiến hành tập huấn tạo nhận thức về giáo dục STEM cho toàn bộ hiệu trưởng và giáo viên nòng cốt của quận. Ngày hôm đó, các thầy cô giáo ở Hải Phòng rất xúc động khi ban tổ chức giới thiệu cô Lê Thị Hạnh cùng một cô giáo nữa đã đi 100 km bằng xe máy từ Nam Trực đến Kiến An để kịp nghe các bài giảng về STEM và đợi đến đầu giờ chiều thì thuyết trình chia sẻ kinh nghiệm của trường làng ở Nam Trực cho khối tiểu học.
          Đó là câu chuyện từ hồi năm 2016, còn hai năm gần đây, cô Hạnh đã cùng các giáo viên và học sinh của mình tích cực tham gia các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm vận hành CLB STEM và CLB Robot tại Ngày hội STEM của tỉnh Hà Giang năm 2017 và Ngày hội Toán học Mở năm 2018 ở TPHCM.
.
So-10--Giao-duc--Do-Hoang-Son-2
Tháng 11/2017, thầy Tạ Văn Cảnh và cô Lương Thị Phượng (trường THCS Nguyễn Hiền, Nam Trực) giảng bài thực hành lập trình robot bằng phần mềm SCRATCH cho các giáo viên huyện Xuân Trường. Sau khi được học, thầy hiệu trưởng trường tiểu học Xuân Hoà (Xuân Trường, Nam Định) đã dùng giải pháp đơn giản này để lập câu lạc bộ với 3 con robot (khoảng 1,5 triệu đồng/robot). Ảnh: ĐHS
.
          Trên truyền hình và mạng xã hội cũng đã lan tỏa hình ảnh các cô bé học trò lớp 5 của trường làng Nam Trực thành thạo xử lý các lệnh máy tính để lập trình cho robot bằng phần mềm SCRATCH, sao cho tốc độ của robot phù hợp với độ nhạy của các cảm biến siêu âm và cảm biến hồng ngoại khi dò đường.
          Riêng cô Lê Thị Hạnh, sau khi kết thúc hai khóa làm hiệu trưởng trường tiểu học Nam Đồng, cô được chuyển về làm hiệu trưởng trường tiểu học Nam Tiến từ năm 2017. Tại đây, cô tiếp tục triển khai các hoạt động STEM, mang lại cơ hội học thông qua trải nghiệm theo tinh thần STEM cho học sinh. Theo đó, mỗi tuần các em có 2 tiết trong thời khoá biểu học về các chủ đề gắn với đời sống, ví dụ như chủ đề về Nước. Ngoài ra, nhà trường còn dùng vườn trường để dạy STEM cho các em theo các chủ đề cây trồng. Đặc biệt, CLB Robot của trường hoạt động miễn phí sau giờ học (từ 16-17 giờ) và luôn có khoảng hơn 30 học sinh học 2 buổi/tuần dưới sự hướng dẫn của chính các giáo viên trong trường. Điều này không có gì lạ vì ở trường Nam Tiến có 3 cô giáo dạy được lập trình robot cho học sinh; còn toàn huyện Nam Trực có khoảng gần 80 thầy cô như vậy ở các trường khác.
          Hệ sinh thái giáo dục STEM của huyện Nam Trực phát triển được là nhờ có sự đóng góp rất lớn của các thầy cô trường làng như cô Lê Thị Hạnh, hay các giáo viên giỏi của trường THCS Nguyễn Hiền, một trường trọng điểm của huyện.
          Trường THCS Nguyễn Hiền có những giáo viên làm chủ việc dạy lập trình robot cho học sinh rất nhanh như thầy Tạ Văn Cảnh và cô Lương Thị Phượng. Chỉ sau một thời gian ngắn, trường đã thành lập được các CLB STEM với hàng trăm học sinh tham gia, trong đó CLB Robot có gần 100 học sinh. Trường THCS Nguyễn Hiền tổ chức cuộc thi robot cấp trường lần đầu từ cuối năm 2017. Cùng thời gian đó, thầy Cảnh và cô Phượng đã được nhóm chuyên gia STEM của Hà Nội mời dạy thực hành phần lập trình robot trong lần tập huấn giáo viên cho huyện bạn.
          Ở Nam Trực bây giờ, việc thi robot là chuyện bình thường, các bài thi robot rất thú vị, có độ khó nhất định.
THAY CHO LỜI KẾT: LÃNH ĐẠO PHẢI HỌC TRƯỚC
          Để triển khai giáo dục STEM, các lãnh đạo Phòng GD&ĐT Nam Trực đã dành cả năm 2016 để học hỏi khảo sát, tìm hiểu các mô hình giáo dục STEM ở nhiều nơi, nhiều nhất là ở các Ngày hội STEM. Tiếp theo đó là các khóa đào tạo nhận thức chung về STEM cho các hiệu trưởng, hiệu phó.
          Sau khi chuẩn bị khá kỹ, có sự đồng thuận cao trong đa số các cán bộ quản lý các trường thì việc tập huấn nhân rộng và tập huấn nâng cao nhiều đợt cho giáo viên mới được tiến hành, tiếp đến là việc thành lập và vận hành các CLB STEM.
          Hệ sinh thái giáo dục STEM ở các trường vùng nông thôn hình thành trong thời gian qua như Nam Định, Nghệ An, Thái Bình, Quảng Ninh, hay Lào Cai, đã có những thành quả ban đầu có thể chia sẻ cho các trường học ở các thành phố lớn, góp phần tạo thêm động lực cho các trường ở thành phố đổi mới mạnh mẽ hơn vì họ vốn có điều kiện tốt hơn.
          Cũng chính vì các lý do kể trên mà tại phiên họp bế mạc Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ nhất cuối tháng 11/2018 ở Đà Nẵng, thay mặt nhóm THÚC ĐẨY STEM, TS Trần Thị Như Hoa (Đại học Garchon, Hàn Quốc) đã đọc kiến nghị của nhóm tới Chính phủ, trong đó đề nghị Chính phủ đặc biệt chú ý tới vị trí chiến lược của giáo dục STEM ở các trường học vùng nông thôn và cần tổng kết các mô hình thực tiễn triển khai giáo dục STEM đã xuất hiện ở nông thôn nhiều nơi vì đó là nơi đang đào tạo khoảng gần 70% số học sinh của cả nước.
Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển