Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Giảm biên chế gián tiếp, nhưng giáo viên phải đủ”

1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lệ Thu

“Nghị quyết về tinh giản biên chế nêu, từ nay đến 2021 giảm 10% biên chế hưởng lương, nhưng không phải là cắt 10% biên chế giáo viên. Nghị quyết sẽ chủ yếu tinh giản biên chế gián tiếp, còn tinh thần là phải đủ giáo viên để dạy”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Ngày 2.8, tham dự và phát biểu kết luận Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 của ngành giáo dục, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ ra những mặt làm được và cả hạn chế của ngành.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, năm 2018 là mốc thời gian đặc biệt quan trọng vì đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Đây là cơ hội để đánh giá điểm gì được, điểm nào chưa được và những năm tiếp theo tập trung vào vấn đề gì.

“Chúng ta phải nhìn mặt được để tiếp tục phát huy và thẳng thắn thừa nhận hạn chế để khắc phục” – Phó Thủ tướng nêu quan điểm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định, đổi mới giáo dục phải có lộ trình, không thể ngày một ngày hai, mà phải đặt trong bối cảnh thực tế. Mỗi năm đổi mới từng bước và cần phải kiên trì thực hiện.

“Tuy nhiên, đổi mới nhất định phải kiên định theo xu thế thế giới” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.

Vu-Duc-Dam

Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 63 tỉnh thành. Ảnh: HN 

Phải đủ giáo viên để dạy

Tại hội nghị tổng kết, nhiều địa phương bày tỏ lo lắng trước việc phải tinh giản biên chế giáo viên. Điều này khiến nhiều giáo viên hợp đồng có nguy cơ mất việc, hoặc nhiều nơi thiếu giáo viên đứng lớp nhưng biên chế thì không được tăng thêm.

Trước những vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ: Nghị quyết về tinh giản biên chế nêu từ nay đến 2021 giảm 10% biên chế hưởng lương, nhưng không phải là cắt 10% biên chế giáo viên. Nghị quyết sẽ chủ yếu tinh giản biên chế gián tiếp. Còn tinh thần là phải đủ giáo viên để dạy… Giáo viên cấp nào dạy cấp đó, không được máy móc điều giáo viên cấp này dạy cấp khác do thừa-thiếu hay tinh giản.

Ai vi phạm thì ra khỏi ngành

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, cần bảo đảm dân chủ trong trường học, giảm dần sự can thiệp, áp đặt từ chính quyền lên trường học, giáo viên. Đặc biệt, với thầy cô, phải thực sự gương mẫu, chấm dứt tình trạng xin điểm-cho điểm, ép học sinh học thêm.

“Năm học này, ngành giáo dục phát phát động phong trào thi đua trong các thầy cô. Nguyên tắc ai vi phạm thì ra khỏi ngành. Một người ra khỏi ngành là ảnh hưởng đến cả gia đình họ nhưng vì tương lai con em chúng ta, phải làm kiên quyết việc này”, Phó Thủ tướng thẳng thắn.

Về phía phụ huynh, Phó Thủ tướng cho rằng cần đồng hành với nhà trường, với ngành giáo dục để giáo dục con em.

“Vì con em mình, phụ huynh dù có điều kiện đến đâu cũng hãy động viên con em mình tham gia lao động, giữ gìn vệ sinh, cần giáo dục để các cháu biết yêu lao động, biết trân trọng người lao động”, Phó Thủ tướng nhắn nhủ.

Trước khi kết thúc phần phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng một lần nữa khẳng định: “Giáo dục cần có lộ trình, dù còn nhiều hạn chế nhưng những kết quả đạt được là không thể phủ nhận. Đó là công sức của toàn ngành, của hơn 1 triệu giáo viên. Cần tiếp tục kiên định giữ tinh thần đổi mới để chất lượng giáo dục ngày càng chuyển biến, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”.

ĐẶNG CHUNG

Nguồn: laodong.vn