PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG ĐẤT HỌC NAM TRỰC ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, GIÁO VIÊN SÁNG TẠO VƯƠN LÊN ĐÁP ỨNG CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ

          Nam Trực là vùng đất văn hiến, có bề dày truyền thống văn hóa và cách mạng. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Được xây dựng, phát triển trên “cái nôi” văn hóa và cách mạng bền vững đó, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Trực qua các thời kì luôn chủ động, sáng tạo. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành GD&ĐT huyện Nam Trực cũng  không ngừng vươn lên, thực hiện tốt công cuộc đổi mới, sáng tạo, tích cực cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” bằng trí tuệ và tâm huyết của mình ươm trồng nên những thế hệ tương lai cho quê hương đất nước.

Ảnh 1

(Thầy Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT – Giám đốc Sở Văn hòa Nam Định tặng hoa ngành giáo dục huyện Nam Trực)

          Ngay từ năm 1980, ngành GD&ĐT Nam Trực đã phát động cán bộ, giáo viên rèn luyện theo 5 phong cách của người giáo viên mang bản sắc riêng của giáo dục Nam Trực đó là: Phong cách sống: Tình thương-Danh dự, phong cách ứng xử: Tôn trọng-Biết điều, phong cách làm việc: Kỉ cương-Sáng tạo, phong cách gia đình Hoà thuận – Hiếu đễ, phong cách học tập:Tự học thường xuyên.

Ảnh 2

(Ông Nguyễn Đức Tiến – Chủ tịch UBND huyện Nam Trực trao thưởng Cán bộ, Giáo viên đạt thành tích xuất sắc năm học 2018-2019)

          Tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước, vườn hoa thi đua “Hai tốt” vẫn luôn luôn rực rỡ sắc hương và đã trở thành một nét đẹp của toàn ngành. Khẩu hiệu “Chất lượng giáo dục toàn diện là thước đo phẩm giá, uy tín của người thầy” đã thấm sâu vào mỗi cán bộ quản lý và giáo viên từng nhà trường.

Ảnh 3

(Học sinh đạt TTXS cấp Tỉnh năm học 2018-2019 được tuyên dương khen thưởng)

          Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những tác động sâu sắc đến các mặt kinh tế và đời sống văn hóa, xã hội. Nó đòi hỏi người thầy không chỉ mẫu mực về phẩm chất đạo đức, dồi dào về tâm huyết mà quan trọng hơn là trình độ chuyên môn, các kỹ năng cần thiết để đáp ứng đòi hỏi của ngành, của cuộc sống. Trước những cơ hội và thách thức mới, người thầy phải thực sự đầu tư học tập, nghiên cứu để có đủ tâm thế đứng trên bục giảng.

          Muốn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, trước hết phải đổi mới con người làm giáo dục và đào tạo. Đội ngũ cán bộ, giáo viên chính là nhân tố quyết định sự thành công của quá trình đổi mới. Xác định rõ trách nhiệm của mình, tập thể cán bộ giáo viên ngành giáo dục và đào tạo huyện nhà đã luôn tự tin, khẳng định được vai trò quan trọng trên tất cả các mặt:

          Thứ nhất, tấm lòng với nghề với người: Thầy giáo, cô giáo như người cha, người mẹ, người bạn tâm giao: luôn gắn bó với trường, với lớp, yêu thương chia sẻ với học sinh, tận tình, tỉ mỉ, thấu hiểu với từng hoàn cảnh của các em, chăm chút, uốn nắn cho các em từng chi tiết dù nhỏ nhất như cách cầm bút, tư thế ngồi học, lời ăn, tiếng nói, bữa ăn, giấc ngủ trưa,…

Ảnh 4

(Giáo viên luôn quan tâm tỉ mỉ tới từng học sinh trong giờ học)

          Thứ  hai, xác định vai trò chuyên môn nghiệp vụ: Mỗi cán bộ giáo viên luôn tích cực trong đổi mới phương pháp dạy học, tiếp cận nhanh, vận dụng tốt với các công nghệ và kỹ thuật dạy học hiện đại. Có khả năng cập nhật, nghiên cứu và vận dụng tốt cái mới trên nền tảng cái truyền thống để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.

Ảnh 5

( Một tiết học ngoài không gian lớp học)

          Thứ ba, hình thành các kỹ năng cần thiết: Đội ngũ nhà giáo Nam Trực ngày càng khẳng định được năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Những đổi mới trong tiết chào cờ đầu tuần, những buổi sinh hoạt theo chủ điểm tháng, những bài tập thể dục buổi sáng, những điệu nhảy dân vũ, hay khiêu vũ, những trò chơi dân gian, những buổi sinh hoạt các câu lạc bộ,… Chính các kỹ năng tổ chức cùng với các giải pháp hiệu quả đã tạo sự gắn kết giữa thầy và trò, giữa học sinh và nhà trường góp phần phát triển đầy đủ các năng lực và phẩm chất của học sinh. Chú trọng việc xây dựng và rèn kĩ năng đọc sách cho học sinh, phát triển văn hoá đọc, tổ chức dạy học theo định hướng giáo dục STEM nhằm phát triển tốt năng lực tư duy sáng tạo cho học sinh.

Ảnh 6a

(Một giờ đọc sách tại thư viện nhà trường)

Ảnh 6b

(Học sinh dự thi STEM ROBOT)

          Thứ tư, xác định lập trường tư tưởng vững vàng: Từng cán bộ giáo viên thấm nhuần nguyên lý giáo dục “Học phải đi đôi với hành, kiến thức phải gắn liền với thực tiễn, chính vì thế các nhà trường rất quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động thực nghiệm. Nhiều giờ học được thực nghiệm tại vườn trường, nhiều tiết học được tổ chức ngoài không gian lớp học, việc lồng ghép nhiều hoạt động trải nghiệm trong tiết học đã có tác dụng rất tốt giúp các em học sinh vận dụng kiến thức nhà trường vào thực tiễn cuộc sống.
Ảnh 7a(Công tác tuyên truyền xây dựng trường Xanh-Sạch-Đẹp-An toàn)

Ảnh 7b

(Học sinh tập thể dục buổi sáng hàng ngày)

Ảnh 7c

(Học sinh trường Tiểu học Nam Dương thi đấu bóng đá tại sân cỏ nhân tạo của nhà trường)

          Thứ năm, sự liên kết giáo dục: Ngoài việc kết hợp với các lực lượng để thực hiện công tác dạy và học, giáo viên các trường trong huyện đã làm tốt việc xã hội hoá để huy động cha mẹ học sinh và cộng đồng tham gia các hoạt động như xây dựng cổng trường an toàn, trang trí không gian lớp học, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, cùng học sinh như  hội xuân, đổi mới tiết chào cờ đầu tuần, chăm sóc vườn thực nghiệm, tổ chức sinh nhật, làm đồ dùng dạy học, nói chuyện chuyên đề. Đặc biệt nhiều nhà trường đã phối hợp với cha mẹ học sinh tổ chức các hoạt động như giao lưu bóng đá giữa cha mẹ với thầy cô giáo, tham gia văn nghệ, thể dục thể thao, tạo được sự gắn kết, đồng thuận và chia sẻ,… Công tác xã hội hóa giáo dục đã trở thành một nhân tố quan trọng làm nên những thành tích rực rỡ của toàn ngành – đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ảnh 8a

(Hình ảnh cổng trường an toàn tại trường Tiểu học Nam Đào được các cơ quan truyền thông và cộng đồng mạng đánh giá cao)

Ảnh 8b

(Giao lưu bóng đá nam, nữ giữa phụ huynh học sinh và giáo viên)

          Thứ sáu, đạo đức công vụ: Bên cạnh việc học tập chuyên môn, người giáo viên Nam Trực không ngừng trau dồi đạo đức nhà giáo, và thực hiện trách nhiệm cộng đồng, mỗi nhà giáo đều tích cực tham gia các hoạt động như ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, quỹ đền ơn đáp nghĩa,  trẻ khuyết tật, quỹ khuyến học, ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt, thiên tai,… thông cảm và chia sẻ trước những số phận, những hoàn cảnh khó khăn của học sinh. Với tinh thần của cuộc vận động “kỉ cương – tình thương – trách nhiệm”.

Ảnh 9

(Ngành GD&ĐT Nam Trực với công tác từ thiện nhân đạo, khuyến học khuyến tài)

          Thứ bảy, trách nhiệm và tình thương: Bên cạnh việc đẩy mạnh phong trào thi đua Dạy tốt – Học tốt, công tác nuôi ăn bán trú tại các nhà trường cũng không ngừng được mở rộng, phát triển và quản lý chặt chẽ. Học sinh đến trường được thầy cô chăm lo dạy dỗ trong các giờ học, giờ chơi, chăm chút tới từng bữa ăn, giấc ngủ buổi trưa, tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ yên tâm khi gửi con đến trường.

Ảnh 10a

(Một bữa ăn trưa của học sinh bán trú)

          Thứ tám, học để phát triển, chung sống và hội nhập: Mỗi cán bộ giáo viên huyện Nam Trực luôn đề cao ý thức tự học, tự bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng cập nhật tri thức khoa học, công nghệ và ngoại ngữ. Các hội thi giáo viên dạy giỏi, sinh hoạt và bồi dưỡng chuyên môn đã trở thành nề nếp và phát huy hiệu quả tốt trong công tác việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ giáo viên.

Ảnh 11

(Một buổi sinh hoạt chuyên môn)

          Thứ chín, không ngừng đổi mới: Cán bộ, giáo viên trong huyện đã tiếp cận và sử dụng tốt các phần mềm dạy học, quản lý giáo dục. Biết khai thác mạng Internet để phục vụ cho công việc giảng dạy của mình. Khai thác thông tin qua nhiều kênh đã trở thành thói quen không thể bỏ qua của cán bộ giáo viên trong huyện. Các phần mềm PCGD-CMC, quản lý nhà trường, cơ sở dữ liệu ngành, trường học kết nối,… đã góp phần kết nối, liên kết các nhà trường, các cấp học trong việc thực hiện tốt các nhiệm vụ giáo dục.

Ảnh 12

(Một giờ thực hành tin học của học sinh)

          Theo dòng lịch sử, tự hào với truyền thống của quê hương đất học, bằng ý chí quyết tâm và tinh thần đoàn kết cùng với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy đảng, chính quyền, sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và nhân dân; đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành GD&ĐT huyện Nam Trực vẫn đang tiếp tục cống hiến, tích cực  sáng tạo, tự học, tự hoàn thiện để đáp ứng với yêu cầu đổi mới, sự đoàn kết và ý chí vượt khó vươn lên đã trở thành nét đẹp, là động lực để đưa phong trào giáo dục huyện nhà đạt được những đỉnh cao mới, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong công cuộc công nghiệp hóa và hiện  đại hóa đất nước. Trên nền tảng của những giá trị truyền thống tốt đẹp cùng với những tinh hoa trong công cuộc đổi mới, toàn ngành đang quyết tâm đổi mới bằng các mục tiêu rất cụ thể “Quản lý tốt – Môi trường tốt – Dạy thật tốt – Học thật tốt”. Để làm được điều đó, đội ngũ cán bộ giáo viên toàn ngành phải tiếp tục nỗ lực sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ để hội nhập và phát triển.

Nguồn: Ban Biên tập Phòng GD&ĐT Nam Trực