CÁC NHÀ KHOA BẢNG NAM TRỰC

       Khoa cử Việt Nam thời kỳ phong kiến, từ khoa thi năm 1075 đến khoa thi năm 1919 có 2.898 vị đỗ đại khoa. Tỉnh Nam Định có 88 vị đỗ đại khoa: 05 Trạng nguyên, 02 Đệ nhất giáp, 02 Bảng nhãn, 02 Thám hoa, 15 Đệ nhị giáp, 46 Đệ tam giáp, 16 Phó bảng. Riêng Nam Trực có 03 Trạng nguyên.

1. Nguyễn Hiền – Trạng nguyên trẻ tuổi nhất nước (1234? – 1255)

2

 

Bài vị Trạng nguyên Nguyễn Hiền

       Trạng nguyên Nguyễn Hiền tự là Khôi Nguyên, người làng Dương Miện, huyện Thượng Hiền, phủ Thiên Trường, lộ Sơn Nam nay là thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Khoa thi Hương Bính Ngọ (1246) đời vua Trần Thái Tông, Nguyễn Hiền đỗ Giải nguyên; tiếp thi Hội Đinh Mùi (1247) đỗ Hội nguyên; đến kỳ thi Đình niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình đỗ Trạng nguyên, năm 13 tuổi. Nguyễn Hiền là người đầu tiên ở nước ta đỗ thủ khoa liên tiếp cả ba kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình rồi làm quan tới Thượng thư bộ Công, Ngự sử đài, Đô ngự sử. Trạng nguyên qua đời năm Ất Mùi (1255) khi còn rất trẻ, ở tuổi 21. Vua Trần cho dựng đền thờ ở quê hương, đổi tên huyện Thượng Hiền thành Thượng Nguyên để tỏ lòng kính trọng, thương tiếc.

2. Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu (1425 – ?)

1

 

Cầu Đá thôn Rục Kiều, xã Nam Hùng gắn với triết lý nước chảy đá mòn

(dù không thông minh nhưng học mãi cũng thành tài)

       Trạng nguyên tên húy là Tuấn Chiêu, tự là Đôn Hối, hiệu là Phúc Thành, sinh năm 1425, tại làng Xuân Lôi, tổng Cổ Ra, xứ Sơn Nam, nay là xóm Xuân Lôi, thôn Cổ Ra, xã Nam Hùng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Khoa Ất Mùi Hồng Đức 6 (1475), Vũ Tuấn Chiêu đỗ Tiến sĩ cập đệ, Đệ nhất danh (tức Trạng nguyên) lúc ông 51. tuổi.

       Vũ Tuấn Chiêu đỗ Trạng khi tuổi đã cao, qua đó thấy Ông rất kiên trì học tập. Câu truyện “Nước chảy đá mòn” tương truyền trong dân gian cho chúng ta thấy sự kiên trì dùi mài kinh sử của Vũ Tuấn Chiêu.

3. Trạng nguyên Trần Văn Bảo (1524-1610)

5

Khám thờ Trạng nguyên Trần Văn Bảo

       Trần Văn Bảo (sau đổi tên thành Trần Văn Nghi), quê làng Cổ Chử, huyện Giao Thủy, trấn Sơn Nam (nay là thôn Dứa, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Năm 27 tuổi, Trần Văn Bảo đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập Đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Lịch 3 (1550) đời Mạc Phúc Nguyên. Sau khi đỗ Trạng nguyên, Ông được bổ làm quan trong triều đình nhà Mạc, sau đó đi sứ nhà Minh, đến triều Mạc Mậu Hợp được thăng chức Thượng thư, tước Nghĩa Sơn bá. Đến năm Tân Tị (1581), Ông lại được Mạc Mậu Hợp giao chức Lại bộ Thượng thư, cho vào hầu giảng ở tòa Kinh Diên.

* Các nhà khoa bảng khác:

1. Bảng nhãn Lê Hiến Giản (1341-1390?)

6

Sắc phong cho Bảng Nhãn Lê Hiến Giản

tại đền Thượng Lao xã Nam Thanh năm Duy Tân thứ 5 (1911)

       Trước có tên là Lê Hiến Phủ, phạm húy vua Trần nên đổi thành Lê Hiến Giản. Lê Hiến Giản người trang Thượng Lao, huyện Tây Chân nay thuộc xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông vốn dòng dõi Tô Hiến Thành, cha là Tô Hiến Chương, Ông có người em sinh đôi là Lê Hiến Tứ, cả hai anh em Ông đã đổi họ Tô sang họ Lê.

       Lê Hiến Giản đỗ Bảng nhãn khoa năm Giáp Dần niên hiệu Long Khánh 2 (1374) đời Trần Duệ Tông, làm quan tới chức Thị lang đại học sĩ tri thẩm hình viện.

2. Tiến sỹ lê Hiến Tứ (1341-1390?)

       Lê Hiến Tứ, em sinh đôi của Bảng nhãn Lê Hiến Giản, ông đỗ Tam giáp Tiến sĩ cùng khoa thi với anh, Ông làm quan đến Ngự sử đại phu, có công đánh Chiêm Thành, khi biên giới Tây Nam tạm yên Ông được vua phong chức Trấn Nam tướng quân.

       Tại đền Thượng Lao, xã Nam Thanh ngày nay còn đôi câu đối ca ngợi 2 Ông:

Nhất môn khoa hoạn song đăng bảng

Vạn cổ cương thường biệt lập căn

(Một nhà khoa bảng hai người đỗ

Muôn thuở cương thường một nếp riêng)

       Đến thời Nguyễn xét 2 Ông trung nghĩa và cả nước không có ai như 2 Ông đạt bốn chữ “ Đồng”:

Đồng sinh (cùng sinh một ngày)

Đồng khoa (cùng đỗ một khoa)

Đồng liêu (cùng làm quan một triều)

Đồng tử (cùng chết một ngày)

3. Tiến sỹ Phạm Khắc Thận (1441-1509)

       Phạm Khắc Thận người làng Ngưu Trì, huyện Nam Chân chuyển đến định cư tại xã Cổ Tung, huyện Nam Chân nay là thôn Cổ Tung, xã Nam Hùng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Năm 53 tuổi, ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Qúy Sửu niên hiệu Hồng Đức 24 (1493), được bổ nhiệm chức hàn lâm Hiệu lý, từng đi xứ sang nhà Minh. Khi về nước, Ông được thăng Lễ bộ Tả Thị lang, tước Xuân Lâm tử. Năm 1509, vâng lệnh nhà vua, Ông cầm quân dẹp hải phỉ Bạch Đằng rồi tử trận tại đó. Tiếc thương Ông, nhà vua truy tặng Ông hàm Lễ bộ Thượng thư, tước Xuân lâm bá, cho tên thụy là Cương Nghị và phong làm Phúc thần. Nhân dân làng Cổ Tung lập đền thờ và suy tôn ông là Thành hoàng. Hiện tại, đền Cổ Tung có đôi câu đối:

“Đăng lưu cựu lục truyền nam quận

 Dược mã dư linh chấn bắc giang”

Dịch nghĩa:

Ghi tên bảng vàng, sự nghiệp công danh lưu sử sách, danh thơm truyền khắp trời Nam

Thanh gươm yên ngựa xả thân đánh giặc cứu dân, tiếng linh thiêng lừng lẫy sông Đằng”

4. Tiến sỹ Nguyễn Ý  (1485-?)

       Quê xã Thư Nhi, tổng Hộ Xá, huyện Giao Thủy nay là thôn Ngọc Thỏ, xã Tân Thịnh. Năm 27 tuổi, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận 3 (1511) đời Lê Tương Dực, làm quan đến Tự khanh.

5. Tiến sỹ Vũ Kiệt (Thế kỷ XV)

       Vũ Kiệt tuy là dòng dõi trâm anh song do mẹ kế sinh ra nên Ông bị mẹ ghẻ ghen ghét, bố không chăm sóc được, Ông phải ở riêng tại quê nhà Sa Lung thuộc huyện Tây Chân. Vũ Kiệt rất hiếu học và học giỏi, Ông đỗ đệ Tam đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất năm Hồng Đức thứ 9 (1487), làm quan Đô cấp sự trung.

6. Tiến sỹ Vũ Đoan (Thế kỷ XVI)

       Vũ Đoan người xã Đồng Lư, huyện Giao Thủy, nay là thôn Đồng Lư, xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Qúi Mùi niên hiệu Thống Nguyên thứ 2 (1523) đời Lê Cung Hoàng. Làm quan nhà Mạc đến chức Thượng thư. Ông có công lập ra làng An Hoạch và phục hưng nghề đục đá.

7. Tiến sỹ Ngô Bật Lượng (Thế kỷ XVI)

3

 

       Ngô Bật Lượng người xã Bái Dương, huyện Tây Chân nay là thôn Bái Dương, xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông đỗ Hội nguyên Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất năm Cảnh Lịch 3 (1550) đời Mạc Phúc Nguyên, làm quan đến Tả thị lang, hàm Đắc tiền kim vĩnh lộc đại phu, tước Phụng Công hầu. Ông mất trên đường đi sứ nhà Minh.

8.Tiến sĩ Tống Hân (1535 – ?)

       Tống Hân có tên khác là Sơn Thành tự là Sơn Vũ, hiệu là Hòa Phong, người xã Vũ Lao (vốn tên là trại Hải Điền, thời Trần Anh Tông đổi thành xã Vũ Lao). Năm 22 tuổi, Ông đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Bính Thìn niên hiệu Quang Bảo thứ 2 (1556) đời Mạc Phúc Nguyên, làm quan đến Thượng thư, tước Lễ Khê bá.

9. Tiến sỹ Trần Đình Huyên (1561-?)

Trần Đình Huyên là con cả của Trạng nguyên Trần Văn Bảo, Trần Đình Huyên đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất niên hiệu Đoan Thái 1 (1586), đời Mạc Mậu Hợp. Sau Ông theo nhà Lê, làm quan đến Công khoa Đô cấp sự trung, thăng Hình bộ Thượng thư.

10. Tiến sỹ Nguyễn Công Bật  (1559-?)

       Nguyễn Công Bật quê xã Khang Cù, huyện Tây Chân nay là thôn Giao Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông đỗ Đình nguyên Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn niên hiệu Khánh Đức 4 (1652), làm quan đốc học Thanh Hóa, sau giữ chức Lại khoa Cấp sự trung, rồi chức Thị lang bộ Lại, tước tử.

11. Tiến sỹ Đặng Phi Hiển  (1630-1678)

4

Từ đường thờ Tiến sỹ Đặng Phi Hiển, thôn Ngọc Thỏ, xã Tân Thịnh

       Đặng Phi Hiển, quê xã Thụy Nhi nay là thôn Ngọc Thỏ, xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Năm 25 tuổi, Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn niên hiệu Vĩnh Tộ 10 (1628) đời Lê Thần Tông. Hiến sát sứ Tuyên Quang, rồi Trấn thủ Thanh Hoa. Ông có công dẹp giặc phỉ, được  phong  tước Vệ Thụy  hầu. Sau Ông được về kinh làm Đông các Đại học sĩ. Ông có các tác phẩm như: Nam du tập, Bắc Sơn hành ký,…

12. Tiến sỹ Nguyễn Thế Trân (1603-?)

       Nguyễn Thế Trân, quê xã Bách Tính, huyện Thượng Nguyên nay là thôn Bách Tính, xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Năm 26 tuổi, Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn niên hiệu Vĩnh Tộ 10 (1628) đời Lê Thần Tông, làm quan đến Cấp sự trung.

13. Tiến sỹ Nguyễn Danh Nho (1638-1699)

       Hiệu là Sần Hiên, quê gốc xã Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giàng (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương) định cư tại xã Cổ Nông, huyện Nam Chân (nay là xã Bình Minh, huyện Nam Trực). Năm 33 tuổi, ông đỗ Đệ tam Giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Trị (1670) đời Lê Huyền Tông, làm quan đến chức Bồi tụng Hữu thị Lang. Tác phẩm của ông còn 12 bài thơ chữ Hán chép trong toàn Việt thi lục.

14. Tiến sỹ Phạm Duy Cơ (1685-?)

      Phạm Duy Cơ, quê xã Từ Quán, huyện Giao Thủy nay là thôn Từ Quán, xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông đỗ Đệ tam đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Dần niên hiệu Vĩnh Thịnh 6 (1710) đời Lê Dụ Tông, làm quan đến Hình khoa Cấp sự trung, tước Thuân Hải bá.

15. Tiến sỹ Phạm Hữu Du (1682-?)

      Phạm Hữu Du, quê xã Quán Các, huyện Giao Thủy nay là thôn Quán Các, xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông đỗ Đệ tam  giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn niên hiệu Bảo Thái thứ 5 (1724) đời Lê Dụ Tông, làm quan đến Công bộ Hữu Thị lang, tước Quán Anh bá. Ông có tác phẩm “Bần gia dụng dược” bằng thơ Nôm rất có giá trị.

16. Tiến sỹ Vũ Đình Dung (1699-1740)

       Vũ Đình Dung, người xã Cà Đông, huyện Nam Chân nay là thôn Đông, xã Nam Cường, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Qúi Sửu niên hiệu Long Đức 2 (1733) đời Lê Thuận Tông, làm quan đến Hàn lâm viện Thừa chỉ, được thăng Hữu thị Lang tước Phùng Lĩnh tá.

17. Tiến sỹ Hoàng Phạm Dịch (1701-?)

       Hoàng Phạm Dịch, quê Từ Quán, huyện Giao Thủy nay là thôn Từ Quán, xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn niên hiệu Cảnh Hưng 9 (1748) đời Lê Thần Tông, làm quan đến chức Giám sát ngự sử.

18. Tiến sỹ Ngô Sỹ Thực (1724-?)

       Ngô Trần Thực, người xã Bách Tính, huyện Nam Chân nay là thôn Bách Tính, xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ngô Trần Thực đỗ Giải nguyên rồi đỗ khoa Hoành từ. Năm 37 tuổi, đỗ Đình nguyên Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn niên hiệu Cảnh Hưng 21 (1760) đời Lê Hiển Tông, làm quan đến Đông các Đại học sĩ, thự Thiêm đô ngự sử, tước Diên Trạch bá.

19. Tiến sỹ Hoàng Quốc Trân (1751-1787)

       Hoàng Quốc Trân, có sách chép là Hoàng Vĩnh Trân quê xã Nam Chân, huyện Nam Chân nay là thôn Nam Trực, xã Nam Tiến, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Hợi niên hiệu Cảnh Hưng 40 (1779) đời Lê Hiển Tông. Làm quan đến Hàn lâm viện đãi chế, thự Hiến sát sứ Kinh Bắc.

20. Tiến Sỹ Ngô Thế Vinh (1803-1856)

      Ngô Thế Vinh tự là Trọng Phu, Trọng Nhượng, Trọng Dực, hiệu là Dương Đính, Trúc Giang, Khúc, Trúc Đường. Ngô Thế Vinh người xã Bái Dương, huyện Nam Chân nay là thôn Bái Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông đỗ Cử nhân khoa Mậu Tý (1828), đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu niên hiệu Minh Mệnh thứ 10 (1829), được bổ nhiệm chức Hàn lâm viện Biên tu, lĩnh Tri phủ Định Viễn. Sau Ông chuyển làm Viên ngoại lang bộ Lại, rồi được thăng Lễ bộ Lang trung, sau đó Ông về quê mở trường dạy học. Tác phẩm của Ông gồm nhiều thể loại như: Thơ, phú, trướng, đối, tấu, biểu, sớ, tụng, minh,… với những tác phẩm tiêu biểu: “Nam Chân vịnh”, “Dương Đình văn tập”, “Trúc đường phú tập”, và nhiều thơ văn, thần tích, bi ký khác.

21. Tiến Sỹ Vũ Hữu Lợi (1836-1886)

       Vũ Hữu Lợi tên thật là Vũ Ngọc Tuân, sinh ngày 08 tháng 8 năm Bính Dần (1836) tại xã Giao Cù tổng, Sa Lung nay là thôn Giao Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Vũ Hữu Lợi đỗ Cử nhân khoa Canh Ngọ (1870) niên hiệu Tự Đức, năm 40 tuổi đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Hợi (1875), được bổ nhiệm chức Quang lộc Tự Thiếu khanh rồi thăng chức Tả lý Bộ binh. Năm 1884, Ông bỏ về quê mở trường dạy học, tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp, Ông bị Vũ Văn Báo lừa bắt nộp cho Pháp, Vũ Hữu Lợi bị giặc Pháp xử chém tại bến đò Chè – Nam Định vào chiều ngày 30 Tết năm Bính Tuất (1886).

22. Phó bảng Đỗ Dương Thanh (1878-1944)

       Người xã Đại An, huyện Thượng Nguyên, tỉnh Nam Định nay là thôn Đại An, xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông đỗ Cử nhân khoa Canh Tý (1900), đỗ Phó bảng khoa Tân Sửu (1901) năm 24 tuổi, làm quan Án sát. Ông có tập “Thế gian nghịch cảnh ký” chép về các chuyện bất bình ở đời.

23. Phó bảng Lâm Hữu Lập (1878-1948)

       Người xã Đại An (nay thuộc xã Nghĩa An), huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, Ông đỗ Cử nhân khoa Canh Tý (1900), Đỗ Phó bảng khoa Bính Thìn (1916) lúc đó đã 40 tuổi. Biên tập có 400 bài, sáng tác có “Lịch đại chư gia khẩn thổ chí” 64 bài.

       Nối tiếp truyền thống của ông cha, truyền thống hiếu học và đỗ đạt cao của Nam Trực tiếp tục được phát huy và nâng lên một tầng cao mới. Đến nay, Nam Trực có gần 100 Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ; xứng đáng với truyền thống khoa bảng của vùng đất Nam Chân xưa (Nam Trực nay) và khẳng định rằng Nam Trực là một cái nôi đào tạo nhân tài cho đất nước trong suốt chiều dài lịch sử./.

                                                                                             Tác giả: Trần Duy Huyền