Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Chấm dứt tình trạng “phân luồng bắt buộc”, đẩy mạnh phong trào giáo dục STEM

Kinhtedothi – Trả lời chất vấn sáng 6/6 liên quan đến vấn đề phân luồng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Bộ thực hiện giải pháp một bên hướng nghiệp, một bên tạo sự hấp dẫn, khơi dậy đam mê, yêu thích, chủ động lựa chọn nghề nghiệp ở học sinh.

Tại phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) đặt câu hỏi về chủ trương phân luồng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, nhằm tránh những bất cập hiện nay là tỉ lệ vào đại học quá lớn trong khi học nghề lại ít.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Đây không phải là vấn đề mới. Trung ương và Chính phủ đều có đề án chỉ đạo về vấn đề này nhưng thời gian qua, kết quả chưa tốt. Nguyên nhân có nhiều, nhưng nguyên nhân của ngành giáo dục thì căn cốt là nội dung, chương trình.
“Học sinh chúng ta nặng học kiến thức, phần kỹ năng năng lực thực hành chưa tốt. Chúng ta cũng đã đưa ra một hệ thống giải pháp để phân luồng. Bộ sẽ thực hiện bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hướng nghiệp chuyên nghiệp, thời gian vừa qua đội ngũ này còn kiêm nhiệm, chưa chuyên nghiệp”, Bộ trưởng nói.
ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình)
 ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) .
Bộ trưởng cho hay: Nhóm giải pháp căn cơ cho vấn đề này là tạo ra sự yêu thích đam mê chứ không phải giải pháp tình huống là thi đỗ đâu thì học đó. Trong chương trình phổ thông chúng tôi sẽ thiết kế tạo đam mê, đẩy mạnh phong trào giáo dục STEM.
“Ngay từ khi học phổ thông thì phải làm tốt công tác hướng nghiệp, xây dựng một đội ngũ tư vấn hướng nghiệp thật tốt. Tiếp theo là điều kiện để các em tiếp cận thị trường lao động, tiếp cận nghề nghiệp mới, đặc biệt là hiện nay là cuộc cách mạng 4.0. Đây là những tiếp cận rất quan trọng, chúng ta cần bồi dưỡng để giáo viên làm tốt công tác hướng nghiệp”, Tư lệnh ngành GD&ĐT nhấn mạnh.
Bộ trưởng nhìn nhận: Hiện nay phân luồng giáo dục ở bậc phổ thông chủ yếu mang tính bắt buộc, tức là học sinh thi đại học không đỗ thì vào học nghề. Nếu kéo dài tình trạng phân luồng bắt buộc thì không ổn. Bộ thực hiện giải pháp một bên hướng nghiệp, một bên tạo sự hấp dẫn, khơi dậy đam mê, yêu thích, chủ động lựa chọn nghề nghiệp ở học sinh.
“Tới đây chúng tôi sẽ phối hợp với bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung để có giải pháp tốt cho vấn đề phân luồng”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.
Cũng tại phiên chất vấn, Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) đặt vấn dề: Chúng ta đều biết hiện nay, các gia đình Việt gửi con em đi nước ngoài học rất nhiều, cả diện học bổng và tự túc. Một số nước có học phí khá cao, có nơi học phí 400-500 triệu đồng/ 1 năm . Bộ trưởng nghĩ gì về vấn đề này và có giải pháp gì để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này?
1hhshdhsddsdsdsdsd
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, việc cho con cái đi du học không chỉ nói về vấn đề giáo dục mà có cả vấn đề về văn hóa, môi trường kinh tế… Hiện nay, việc các gia đình đưa con đến các nước phát triển học để nhận được điều kiện giáo dục tốt hơn là xu hướng. Trong thực tế, Nhà nước ta đã dành 20% ngân sách xây dựng giáo dục, tuy nhiên vai trò đóng góp của các thành xã hội, đặc biệt doanh nghiệp là rất lớn. Đây cũng là bài học thành công của Hàn Quốc, Trung Quốc về huy động nguồn lực cho giáo dục.
“Theo thống kê chưa chính thức, mỗi năm phụ huynh Việt bỏ chi phí đến 3-4 cho con đi du học. Bây giờ, chúng ta phải làm sao thu hút được các gia đình có điều kiện không chỉ lựa chọn cho con ra nước ngoài mới có nền giáo dục chất lượng tốt mà trong nước cũng có. Chúng tôi đã tham mưu Chính phủ khuyến khích các tập đoàn lớn đầu tư cho giáo dục.
Giáo dục phân khúc chất lượng cao, Nhà nước vẫn có trách nhiệm nhưng các doanh nghiệp sẽ có vai trò không nhỏ. Giải pháp là xây dựng chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng quốc tế, tăng đóng góp của tư nhân trong giáo dục chất lượng cao. Tới đây, trong Luật giáo dục chúng tôi sẽ khuyến khích tăng cường xã hội hóa giáo dục”, Bộ trưởng Phùng Xuân cho hay.
Nguồn: http://kinhtedothi.vn