Tăng cường cơ sở vật chất trường học – Bước tiến mới của ngành Giáo dục huyện Nam Trực

       Trong cái nôi của quê hương văn hiến, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, trong những năm qua ngành giáo dục và đào tạo huyện Nam Trực đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Công tác quản lí giáo dục từng bước được đổi mới, chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng học sinh giỏi được nâng lên theo hướng bền vững. Mạng lưới trường lớp, quy mô lớp học, phòng chức năng của các cấp học được củng cố, phát triển theo đúng quy hoạch, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng cao.

       Tuy nhiên, giáo dục Nam Trực vẫn còn những hạn chế như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học, hệ thống phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng…chưa đảm bảo quy định. Tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia còn chậm. Quỹ đất dành cho các cơ sở giáo dục chưa đảm bảo theo quy định chuẩn. Nhận thức được tầm quan trọng của việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất trong các nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn với thực hiện tiêu chí nông thôn mới, ngành giáo dục Nam Trực đã chủ động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ và thu được nhiều thành tích tiêu biểu, nổi bật.

       Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 17/NQ-HU và kết luận số 01-KL/HU của Huyện ủy Nam Trực, đến năm 2017 ngành giáo dục đã hoàn thành xong việc quy hoạch mạng lưới trường lớp. Hiện tại có 33 trường Mầm non với cơ sở vật chất khang trang hiện đại, số khu lẻ được giảm dần; 33 trường Tiểu học đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trong đó có 17 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và 29 trường đạt chuẩn Xanh-Sạch-Đẹp-An toàn. Nam Trực cũng là đơn vị tiên phong trong toàn tỉnh  thực hiện việc sáp nhập các trường THCS. Từ 31 trường THCS trước kia trong đó có 50% số trường quy mô nhỏ, dưới 10 lớp. Ngành giáo dục đã xây dựng đề án, tham mưu với UBND huyện tiến hành qui trình sáp nhập. Đến nay, toàn huyện chỉ còn 22 trường trong đó có 16 trường đạt chuẩn quốc gia, 05 trường đạt chuẩn Xanh-Sạch-Đẹp-An toàn. Việc sáp nhập đã tránh lãng phí trong việc bố trí cán bộ, hạn chế việc thừa thiếu cục bộ giáo viên, nhân viên và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa chất lượng giáo dục toàn diện đi từ ổn định đến phát triển. Các trường THPT, TT GDTX, dạy nghề luôn hoạt động ổn định, giữ vững nền nếp và chất lượng.

       Dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, phòng GD&ĐT đã phối hợp với phòng Công thương, Tài nguyên môi trường, Tài chính-Kế hoạch, UBND các xã, thị trấn tiến hành quy hoạch mặt bằng chi tiết các nhà trường. Đến nay trên 90% số trường học trên địa bàn đã có quy hoạch và được UBND phê duyệt. Việc quy hoạch các nhà trường không những tránh được việc đầu tư manh mún, xây dựng chắp vá mà còn là căn cứ cơ bản để các cấp, các ngành đầu tư và quản lí đầu tư cơ sở vật chất theo hướng trường học chuẩn quốc gia, trường học hiện đại.

 

pc-mam non nam duong

(Ảnh 1-Bản vẽ chi tiết quy hoạch mặt bằng trường MN Nam Dương)

       Một trong những nét thành công mới của ngành giáo dục Nam Trực trong những năm qua là việc huy động các nguồn lực cho việc tăng cường cơ sở vật chất trường học. Phòng GD&ĐT đã tham mưu cho UBND huyện ban hành đề án số 01/ĐA-UBND ngày 24 tháng 7 năm 2016 về việc “ Tăng cường cơ sở vật chất trường học trên địa bàn huyện Nam Trực giai đoạn 2016-2020”. Theo đó ưu tiên nguồn ngân sách đầu tư của cấp huyện, xã, tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu của Trung ương, của Tỉnh cho giáo dục. Các xã, thị trấn đã ưu tiên bố trí nguồn vốn để đảm bảo tối thiểu cơ sở vật chất trường, lớp sau đó mới bố trí vốn cho các công trình khác. Sử dụng 20% đối với huyện và tối thiểu là 50% đối với cấp xã nguồn tiền cấp quyền sử dụng đất của mỗi cấp được hưởng cho xây dựng trường, lớp. Tiết kiệm chi thường xuyên…Bên cạnh đó ngành giáo dục đã đẩy mạnh xã hội hóa từ nguồn đầu tư, hỗ trợ của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, huy động sự đóng góp của địa phương, của nhân dân, của cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh theo quy chế dân chủ ở cơ sở. Năm 2015 ngành giáo dục đã huy động được 47 tỷ đồng và năm 2016 là 20 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa giáo dục. Trong hai năm 2015 và 2016 đã có 150 phòng học, phòng chức năng được xây mới và đưa vào sử dụng góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường.

image004

(Ảnh 2-Trường THCS Nam Tiến có tổng vốn đầu tư 27 tỷ đồng từ nguồn XHH giáo dục)

       Sau 20 năm tái lập huyện, GD&ĐT Nam Trực đã có nhiều bước tiến vững chắc. Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng cao, chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu phát triển theo hướng bền vững. Trường lớp ngày càng khang trang, hiện đại. Các tiêu chí về giáo dục theo mục tiêu chương trình xây dựng Nông thôn mới của 9 xã về đích năm 2015, 2016 được hoàn thiện. Với truyền thống đoàn kết nhất trí, tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, giáo viên cùng sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc của các cấp ủy đảng, chính quyền; tin tưởng rằng Giáo dục và Đào tạo Nam Trực tiếp tục đạt được những thành tích to lớn, góp phần vào việc xây dựng kinh tế-xã hội của huyện Nam Trực nói riêng và của giáo dục Nam Định nói chung.

BAN BIÊN TẬP

Phòng Giáo dục và Đào tạo Nam Trực