Những tác nhân khiến trẻ sợ toán

Nguồn:  Báo VNEXPRESS – tác giả: Hiền Khanh (Theo Guardian)

Cảm nhận về giáo viên, khối lượng bài tập về nhà và sự tham gia của phụ huynh gây ra những nỗi sợ cho học sinh về môn toán.

Nếu ý nghĩ về phân số hay phương trình vi phân khiến bạn toát mồ hôi lạnh thì đừng lo, vì bạn không cô đơn. Nghiên cứu của Đại học Western Ontario, Anh chỉ ra rằng “lo lắng về toán học” (maths anxiety) là một hiện tượng toàn cầu gây trở ngại khi học toán, bất kể bạn ở đâu.

Đây là phản ứng tiêu cực khi đối diện với những con số và các vấn đề toán học nói chung trong nhiều tình huống. Khuynh hướng này có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng, tuy nhiên nỗi lo lắng cực độ về môn toán được ghi nhận ở mức 2-6% học sinh trung học tại Vương quốc Anh. Nữ sinh có xu hướng ám ảnh về môn học này nhiều hơn nam sinh, mặc dù nghiên cứu cũng chỉ ra sự chênh lệch không thực sự rõ ràng trước tuổi vị thành niên.

Lo lắng về toán học khác với chứng “khó học toán” (dyscalculia) – một dạng rối loạn phát triển gây khó khăn trong việc nhớ, hiểu và thao tác tính toán các con số hay giải quyết các vấn đề toán học, dù đôi khi chứng rối loạn này cũng là nguyên nhân gây ra nỗi lo học toán.

Hội chứng này không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với kém thông minh. Theo một nghiên cứu vào năm 2018, 77% trẻ em cảm thấy lo âu khi học toán đạt điểm số từ trung bình đến cao trong các bài kiểm tra. Tuy vậy, tình trạng này có thể làm giảm hiệu suất học tập trong một số hoàn cảnh nhất định, khiến các em không tiến bộ và quan trọng hơn là ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần.

1

Không tin tưởng giáo viên là một trong những lý do khiến học sinh lo lắng về môn toán. Ảnh: Alamy

Vậy điều gì gây nên căng thẳng? Bên cạnh nỗi lo khi đối mặt với môn Toán của bản thân đứa trẻ thì mức độ lo lắng của các bạn cùng lớp cũng ảnh hưởng đến thành tích của đứa trẻ đó.

“Trạng thái cảm xúc của nhóm bạn tác động đến khả năng học toán của trẻ, điều quan trọng là giáo viên, phụ huynh và các nhà giáo dục cần lưu tâm đến không chỉ khả năng và cảm nhận của trẻ về môn học mà còn cả bối cảnh học tập nữa”, TS Nathan Lau (Đại học Western Ontario, Anh), trưởng nhóm nghiên cứu, nhận xét.

Yếu tố dễ dẫn đến cảm giác lo lắng khi học toán nhất là nhận thức của học sinh về năng lực giáo viên. Đôi khi thầy cô cũng chưa tự tin vào khả năng dạy toán của mình và gây ra cảm xúc này cho học sinh. Việc phải làm quá nhiều bài tập về nhà và sự can thiệp của phụ huynh cũng tạo ra nỗi lo.

Xét về trải nghiệm của học sinh, GS Denes Szucs, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học thần kinh trong giáo dục của Đại học Cambridge, cho rằng suy nghĩ về môn toán như một môn học khó nhằn so các môn khác là phổ biến và thường góp phần vào hiện tượng lo lắng này. Nhận định được đưa ra sau khi nhóm của ông phỏng vấn 1.700 học sinh. Phần phỏng vấn giúp nhóm phát hiện ra học sinh đang bối rối trước các phương pháp giảng dạy khác nhau của thầy cô.

Câu hỏi lớn là phải làm gì với những lo lắng về toán học? Szucs khuyên học sinh cần loại bỏ cảm giác lo sợ từ năng lực học toán của bản thân. “Nghiên cứu của chúng tôi tại Vương quốc Anh cho thấy hầu hết trẻ lo lắng về toán học thực ra không phải là những đứa trẻ có thành tích thấp. Có thể chúng bị ảnh hưởng từ gia đình hoặc trường học”, Szucs nói.

“Thành tích học toán ở Anh có thể được cải thiện bằng cách thay đổi chương trình, cách giảng dạy và hệ thống thi để chúng ít gây căng thẳng hơn cho học sinh, giáo viên và phụ huynh”, Margaret Brown – Chủ tịch Maths Anxiety Trust – chia sẻ.

Ban Biên tập Phòng Giáo dục và đào tạo sưu tầm