HỘI THẢO VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI TIẾT CHÀO CỜ ĐẦU TUẦN VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC TRONG GIỜ RA CHƠI THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CHO HỌC SINH TIỂU HỌC TẠI TRƯỜNG TIỂU HỌC NAM ĐÀO VÀ TIỂU HỌC HỒNG QUANG NĂM HỌC 2019-2020

          Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, phát huy kết quả đã đạt được trong phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; Căn cứ công số 1091/SGDĐT-GDTH ngày 05/9/2019 của Sở GD&ĐT về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020 cấp Tiểu học và thực hiện chủ đề năm học “Chung tay xây dựng ngôi trường sinh thái ”. Sáng ngày 9/12/2019, Phòng GD&ĐT huyện Nam Trực tổ chức Hội thảo về tiếp tục đổi mới nội dung tiết chào cờ đầu tuần và tổ chức các hoạt động giáo dục trong giờ ra chơi theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh tiểu học. Với mục đích tạo cơ hội để học sinh giao tiếp, hợp tác chia sẻ, bày tỏ quan điểm, vận dụng kiến thức các môn học và hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh; tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường gia đình và cộng đồng; nâng cao ý thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về xây dựng môi trường học tập lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của học sinh về tri thức, sức khoẻ, kĩ năng sống, ý thức xây dựng trường lớp “Xanh- Sạch- Đẹp-An toàn-Thân thiện” gắn với bảo tồn văn hoá, phát huy giá trị truyền thống.

Toàn cảnh sân trường đầu giờ ra chơi tại trường Tiểu học Nam Đào

(Toàn cảnh sân trường đầu giờ ra chơi tại trường Tiểu học Nam Đào)

Hình ảnh tiết chào cờ tại trường Tiểu học Hồng Quang

(Hình ảnh tiết chào cờ tại trường Tiểu học Hồng Quang)      

          Tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Văn Hinh – Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Trực – chủ toạ hội nghị, các đồng chí Hiệu trưởng và Tổng phụ trách Đội các trường Tiểu học trong toàn huyện.

Thầy Trần Văn Hinh – Phó trưởng phòng GD&ĐT Nam Trực tại Hội nghị

(Thầy Trần Văn Hinh – Phó trưởng phòng GD&ĐT Nam Trực tại Hội nghị)

          Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở Tiểu học là một hoạt động quan trọng có nhiệm vụ góp phần củng cố, khắc sâu và phát triển những kiến thức đã học trên lớp qua các hoạt động vui chơi, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao,… Phát triển sự hiểu biết trong các lĩnh vực đời sống, xã hội, từng bước làm phong phú  vốn kiến thức của học sinh, tạo nên sự cân đối hài hòa của quá trình giáo dục toàn diện. Phát triển ở học sinh các kỹ năng cần thiết, phù hợp với sự phát triển lứa tuổi như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng hợp tác và sẵn sàng tham gia các hoạt động của tập thể… Qua đó tạo cho học sinh lòng ham thích, hứng thú trong hoạt động từ đó bồi dưỡng tình cảm yêu trường, yêu lớp, yêu quý thầy cô, bạn bè, yêu quê hương, đất nước…

Một góc sân trường giờ ra chơi tại trường Tiểu học Nam Đào

(Một góc sân trường giờ ra chơi tại trường Tiểu học Nam Đào)         

          Trước khi bước vào Hội thảo, các đồng chí cán bộ, giáo viên tham gia hội nghị được dự  một tiết chào cờ đầu tuần tại trường Tiểu học Hồng Quang và tham dự các hoạt động giáo dục trong giờ ra chơi tại sân trường Tiểu học Nam Đào.

Biểu diễn văn nghệ trong tiết chào cờ tại trường Tiểu học Hồng Quang

(Biểu diễn văn nghệ trong tiết chào cờ tại trường Tiểu học Hồng Quang)         

      Chào cờ là một nghi thức quan trọng, thể hiện tình yêu Tổ quốc và lòng tự hào dân tộc. Với nhà trường, sinh hoạt dưới cờ là một hoạt động ngoài giờ mang tính giáo dục rất hiệu quả. Thông qua buổi sinh hoạt dưới cờ, giáo dục cho học sinh sự tôn kính và tri ân đối với anh linh của chiến sĩ, đồng bào, giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Đồng thời nhắc nhở các em về ý thức trách nhiệm với bản thân và đối với tổ quốc nhân dân, rèn luyện bản lĩnh, ra sức học tập trau dồi đạo đức, tiếp thu tinh hoa của nhân loại, xây dựng đất nước Việt Nam tươi đẹp giàu mạnh sánh vai với các cường quốc năm châu như lời dạy của Bác Hồ kính yêu. Bên cạnh đó tạo cơ hội để học sinh tập dượt khả năng điều khiển tổ chức hoạt động trên quy mô toàn trường rèn ý thức tổ chức kỉ luật và năng lực tự quản.

Đại biểu Cựu chiến binh nói chuyện chuyên đề tại trường Tiểu học Hồng Quang

(Đại biểu Cựu chiến binh nói chuyện chuyên đề tại trường Tiểu học Hồng Quang)         

          Tại trường tiểu học Hồng Quang, nội dung của tiết chào cờ đầu tuần đã thể hiện rất tốt các nội dung giáo dục theo chủ điểm của tháng 12 gắn liền với ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày hội Quốc phòng toàn dân. Tiết sinh hoạt dưới cờ được tiến hành với nhiều nội dung phong phú, có ý nghĩa giáo dục và đạt yêu cầu đề ra với hai phần rõ rệt: Phần nghi lễ bao gồm lễ chào cờ, tổng kết hoạt động giáo dục của toàn trường trong tuần qua, phát động, phổ biến và triển khai kế hoạch hoạt động trong tuần mới; Phần thứ hai là nội dung hoạt động dưới cờ theo chủ điểm của tháng như chương trình văn nghệ của lớp trực tuần, mời cựu chiến binh nói chuyện chuyên đề về ngày 22/12, giao lưu tìm hiểu ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam có sự tham gia của học sinh, giáo viên, cha mẹ và đại biểu tham dự, triển khai các hoạt động của Liên Đội theo chủ đề tháng 12 “Uống nước nhớ nguồn”… Tiết chào cờ đầu tuần tại trường tiểu học Hồng Quang đã hướng học sinh tới những thói quen, nề nếp tốt, rèn cho các em nhiều phẩm chất và năng lực cần thiết để khởi động cho tuần học mới đầy hứng khởi và thành công.

Toàn cảnh lễ chào cờ tại trường Tiểu học Hồng Quang

(Toàn cảnh lễ chào cờ tại trường Tiểu học Hồng Quang)         

          Cũng tại sân trường tiểu học Nam Đào, các thầy cô giáo nhìn thấy những gương mặt rạng ngời cùng tâm trạng đầy phấn chấn, vui mừng của các em học sinh được thể hiện rõ trong các hoạt động khiêu vũ và vui chơi trong giờ ra chơi buổi sáng. Mở đầu cho 30 phút giải lao giữa giờ, gần 1000 học sinh nhà trường, các thầy cô giáo và các bậc cha mẹ được hòa mình vào điệu dancing 16 bước trên nền nhạc của bài hát tiếng Anh Cheri Cheri Lady. Với các động tác đơn giản nhưng vô cùng nhịp nhàng, linh hoạt và hấp dẫn đã tạo cho các em một sự biểu cảm, sảng khoái, vui vẻ và hoạt bát.

Học sinh trường Tiểu học Nam Đào hoà mình trong vũ điệu dancing Cheri Cheri Lady

(Học sinh trường Tiểu học Nam Đào hoà mình trong vũ điệu dancing Cheri Cheri Lady)      

          Năm học 2019-2020, bên cạnh điệu nhảy Cha cha cha, các em học sinh trường Tiểu học Nam Đào tiếp tục được làm quen với điệu nhảy khiêu vũ 16 bước hoàn toàn mới. Với vũ điệu mới này các em vô cùng háo hức chờ đón giờ ra chơi để được thể hiện điệu nhảy mà mình yêu thích. Chỉ cần tiếng nhạc xập xình cất lên thì hàng nghìn bước chân đã bắt đầu nhún nhảy. Điệu khiêu vũ thể thao Cheri Cheri Lady  đúng nghĩa với một nhịp điệu và sự hứng khởi mà mỗi học sinh đều có thể tham gia. Màn khiêu vũ thể thao của học sinh trường Tiểu học Nam Đào đã làm tăng thêm sắc màu cho sân trường. Ngắm nhìn các em được vận động, khỏe khoắn và vui tươi lên hàng ngày mà lòng mỗi thầy cô giáo cũng rộn ràng niềm vui. Không chỉ học sinh mà các thầy cô giáo, các bậc cha mẹ và nhân dân địa phương cũng rất yêu thích, hứng khởi và ủng hộ.

          Sau màn khiêu vũ thể thao sôi động, học sinh nhà trường lại được thoả thích tham gia các hoạt động vui chơi, các em có cơ hội được trải nghiệm, được khám phá, thể hiện, được phát triển các năng lực tư duy một cách tốt nhất. Tất cả các trò chơi mà trường Tiểu học Nam Đào lựa chọn và tổ chức cho học sinh hoạt động đều hướng tới mục tiêu giáo dục cho các em những cảm xúc, kĩ năng, kiến thức, sức khỏe và  năng khiếu.

Học sinh hào hứng với các trò chơi dân gian truyền thống

(Học sinh hào hứng với các trò chơi dân gian truyền thống)         

          Trên sân trường tiểu học Nam Đào, dưới sự hướng dẫn và trực tiếp vui chơi của các thầy cô giáo, các em học sinh được thỏa thích lựa chọn và tham gia 3 nhóm trò chơi: Trò chơi dân gian như Mèo đuổi chuột, bịt mắt bắt dê, kéo co, rồng rắn lên mây,… Các trò chơi dân gian không chỉ chắp cánh cho tâm hồn trẻ, giúp trẻ phát triển tư duy, sáng tạo, mà còn giúp các em hiểu về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, làm cho thế giới xung quanh các em đẹp hơn và rộng mở; tuổi thơ của các em sẽ trở thành những kỉ niệm quý báu theo suốt cuộc đời. Các trò chơi vận động như nhảy dây, cầu lông, đá cầu, cầu thăng bằng…. giúp các em có một sức khoe, một thể chất phát triển toàn diện để học tập tốt hơn. Hay các trò chơi trí tuệ như cờ vua, cá ngựa, ô ăn quan, cơm canh rau muống, kim mộc thủy hỏa thổ,… sẽ giúp cho các em rèn luyện một phương pháp tư duy logic, khoa học, nhạy bén và sáng tạo. Trong thời đại bùng nổ công nghệ hiện nay, trẻ quen với điện thoại, ipad mà không có khoảng thời gian chơi cũng là một thiệt thòi. Vì thế, để giúp các em hiểu và hướng về cội nguồn với các trò chơi dân gian là một việc làm cần thiết mà trường Tiểu học Nam Đào luôn luôn hướng tới. Học sinh thật hạnh phúc khi được vui chơi cùng bạn bè, thầy cô, cha mẹ và các vị đại biểu.

Học sinh trường Tiểu học Nam Đào nhanh nhạy, hoạt bát với các trò chơi vận động

(Học sinh trường Tiểu học Nam Đào nhanh nhạy, hoạt bát với các trò chơi vận động)         

          Các hoạt động trong giờ ra chơi tại trường Tiểu học Nam Đào đã góp phần thiết lập mối quan hệ giữa học trò và thầy cô, giúp các em có bầu không khí tâm lý vui tươi, thoải mái, thân mật sau những giờ học tập căng thẳng. Vui chơi đã giúp các em phát triển phẩm chất đạo đức, tình thân ái, ý thức tập thể đoàn kết, kỷ luật, tự giác… và cả những phẩm chất tâm lý khác như óc quan sát, trí tưởng tượng, sự nhanh nhẹn, khéo léo, linh hoạt. Vui chơi tích cực và thường xuyên đã giúp các em thông minh, nhanh nhẹn hoạt bát hơn, góp phần hình thành nhân cách con người mới phát triển toàn diện.

Đăm chiêu, trí tuệ và logic với các trò chơi phát triển tư duy

(Đăm chiêu, trí tuệ và logic với các trò chơi phát triển tư duy)         

          Trong nội dung phần hội thảo, các đồng chí cán bộ giáo viên đã đi sâu phân tích vai trò quan trọng của việc đổi mới nội dung hình thức và phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục trong buổi lẽ chào cờ và các hoạt động trong giờ ra chơi cho học sinh tiểu học. Hội nghị đã đánh giá rất cao hiệu quả tổ chức các hoạt động tại hai nhà trường. Đây là những mô hình điểm để các trường tiểu học trong toàn huyện có thể  học tập và nhân rộng. Tất cả các nội dung đã triển khai ở hai nhà trường Nam Đào và Hồng Quang đều hướng tới một mục tiêu phát triển năng lực cho học sinh thông qua các hoạt động mang tính hiệu quả, gắn với thực tiễn, tất cả đã tạo nên một môi trường giáo dục lành mạnh mà ở đó học sinh được học tập, trải nghiệm, vận dụng tốt các kiến thức vào thực tiễn cuộc sống, thông qua đó phát triển tốt các kĩ năng sống, kĩ năng hòa nhập cộng đồng.

Thật hạnh phúc khi được tham gia các trò chơi mình yêu thích

(Thật hạnh phúc khi được tham gia các trò chơi mình yêu thích)

Học sinh chơi cầu thăng bằng

(Học sinh chơi cầu thăng bằng)         

          Kết thúc buổi hội thảo, đồng chí Trần Văn Hinh – Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Trực đã phát biểu kết luận hội nghị và thống nhất chỉ đạo các nhà trường tập trung vào các nội dung sau:       

Thầy Trần Văn Hinh – Phó trưởng phòng GD&ĐT kết luận hội nghị

(Thầy Trần Văn Hinh – Phó trưởng phòng GD&ĐT kết luận hội nghị)         

          * Đối với các tiết chào cờ đầu tuần, các nhà trường cần chú trọng không ngừng đổi mới nội dung, hình thức. Tiết chào cờ phải đảm đúng 2 phần chính: Phần nghi lễ và phần sinh hoạt dưới cờ theo chủ điểm. Các nội dung triển khai cần mang ý nghĩa giáo dục truyền thống, giáo dục văn hoá ứng xử, nếp sống văn minh, ý thức thượng tôn pháp luật, giáo dục giá trị sống, hoạt động xã hội, hoạt động thiện nguyện, giáo dục tinh thần đoàn kết, hữu nghị quốc tế. Phương thức tổ chức cần linh hoạt, sáng tạo với các hình thức sân khấu hoá, giao lưu nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền măng non, hình thức trò chơi, hội thi, nêu gương,… với phương châm giáo dục học sinh “học để biết, học để làm, học để tự khẳng định mình  và học để cùng chung sống”. Các hoạt động cần gắn liền với thực tiễn cuộc sống, phù hợp với tâm lý học sinh tiểu học, học sinh phải được chủ động điều hành, chủ động thực hiện tránh việc giáo viên làm hộ, làm thay. Đặc biệt, cần huy động mạnh mẽ cha mẹ học sinh và cộng đồng tham gia vào các hoạt động trong lễ chào cờ để tạo sự gắn kết, chia sẻ và đồng thuận với nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục khác. Các buổi chào cờ cần gắn với các chủ đề tháng và các ngày lễ lớn của dân tộc để thông qua đó giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn cho học sinh, để các em luôn tự hào về nhà trường, luôn thể hiện lòng biết ơn tới các thế hệ đi trước, các thầy cô giáo, có động lực không ngừng phấn đầu học tập để trở thành người công dân toàn cầu.

          * Đối với việc tổ chức các hoạt động giáo dục trong các giờ ra chơi cho học sinh tiểu học, các nhà trường có thể học tập mô hình hoạt động của trường tiểu học Nam Đào, điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với tình hình thực tế của trường mình. Đặc biệt chú ý phải đảm bảo đủ các nội dung như thể dục giữa giờ, khiêu vũ, dân vũ, trò chơi,… tổ chức đan xen sao cho phù hợp với thời gian và tâm lý học sinh. Cần phân chia khu vực chơi cho các khối lớp, phân công giáo viên phụ trách và hướng dẫn để đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa các mảng trò chơi dân gian, trò chơi vận động và trò chơi trí tuệ,…

Hướng tới một môi trường giáo dục “Yêu thương, an toàn và phát triển”

(Hướng tới một môi trường giáo dục “Yêu thương, an toàn và phát triển”)         

          Giáo dục Tiểu học là bậc học nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân. Việc tổ chức sinh hoạt dưới cờ và các hoạt động trong giờ ra chơi cho học sinh tiểu học có ý nghĩa giáo dục vô cùng quan trọng. Không ngừng đổi mới sáng tạo, linh hoạt các nội dung, hình thức và phương thức tổ chức các hoạt động trong tiết chào cờ đầu tuần và các hoạt động trong giờ ra chơi theo định hướng phát triển năng lực sẽ góp phần tạo ra bước đột phá mới trong phong trào xây dựng môi trường giáo dục “Xanh – Sạch – Đẹp – An toàn -Thân thiện” gắn với bảo tồn văn hoá, phát huy giá trị truyền thống với các  giá trị cốt lõi “Yêu thương, an toàn và phát triển”.

Nguồn: Ngô Văn Nghi – Phó hiệu trưởng trường TH Nam Đào, Nam Trực