Thi vào lớp 10: Chuyên gia khuyên phụ huynh điều gì?

          Kỳ thi vào lớp 10 đang tới rất gần, để giảm áp lực cho học sinh, chuyên gia khuyên phụ huynh nên tìm hiểu đúng về năng lực, sở trường của con để có định hướng từ sớm.

          Định hướng tốt cho con ngay từ THCS

        Theo PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan – Viện Khoa học Giáo dục (Bộ GD-ĐT), phụ huynh nên “bỏ định kiến đi học nghề là thấp kém”, đừng lo con đường lên THPT rồi lên ĐH là duy nhất, vì hiện nay có rất nhiều con đường khác nữa mà vẫn đi đến đích nếu mong muốn đạt được học vấn cao hơn.

        PGS Loan cho rằng, để định hướng tốt cho các con ngay từ khi chuẩn bị kết thúc bậc THCS, phụ huynh phải xem con mình có năng lực, sở trường thế nào, phải tìm hiểu thông tin về thị trường lao động, tìm hiểu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tư vấn cho con, làm sao đưa ra được những lựa chọn phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện gia đình và nhu cầu của xã hội.

        Vị PGS cũng nhấn mạnh, bố mẹ cần tỉnh táo, thận trọng và không nên theo đám đông, vì hiện nay con đường học tập rất mở, có nhiều lựa chọn.

        Nói về những lựa chọn khác thay vì học lên THPT, TS Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng việc lựa chọn học nghề sớm là một lựa chọn tốt, vì xã hội đang cần.

       Để giảm áp lực cho học sinh THCS, TS Chức thẳng thắn nói, “kỳ thi nào cũng căng thẳng”, nhưng nếu xác định được mục đích, con đường sẽ đi từ sớm thì có thể kỳ thi sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Trong đó, vị TS khuyên các bậc cha mẹ nên đánh giá đúng khả năng của con để có những định hướng từ ngay bậc THCS.

         Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, “học lên THTP cũng tốt, học nghề cũng tốt”. Tuy nhiên, ở các nước phát triển “không phải ai cũng lao vào THPT rồi lên ĐH”. Nhiều người chọn cho mình con đường học nghề cũng rất thành công, có việc làm thu nhập cao.

         Phụ huynh đừng áp đặt con

        Theo ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT), vài năm trở lại đây, có khoảng 30% học sinh THCS không học lên THPT mà chọn cho mình con đường khác như học nghề hoặc giáo dục thường xuyên. Đây là một xu hướng tốt trong phân luồng giáo dục phổ thông. Vì thực tế trong khung đào tạo của các trường nghề đều có phần kiến thức phổ thông bắt buộc, khi tốt nghiệp, nếu đáp ứng đủ điều kiện và kiến thức, học sinh có thể học lên CĐ… mà không nhất thiết vào học THPT.

         “Tâm lý chung của phụ huynh là luôn muốn con mình học hành tấn tới, muốn con mình đỗ cấp 3, ĐH hoặc cao hơn nữa. Nhưng theo tôi, phụ huynh phải nhìn nhận vào thực tế xem con mình có khả năng ở lĩnh vực gì, sở trường, hứng thú thế nào từ đó có đánh giá đúng về năng lực của con. Dứt khoát không nên áp đặt con phải học lên THPT, lên ĐH… như vậy vô hình chung sẽ gây ra áp lực cho con, dẫn tới “chọn sai, phải bẻ lái”, vừa mất thời gian, tiền bạc và phí sức lực của con”, ông Thành nói. 

         Ngoài ra, để kỳ thi nhẹ nhàng hơn với học sinh, ông Thành cho rằng bản thân các em nên đối chiếu với khả năng, năng lực của bản thân và tìm hiểu xu hướng chung của hệ thống nghề nghiệp trong xã hội. Khi hiểu rõ rồi, các em sẽ tự thấy việc thi vào cấp 3 không phải là con đường duy nhất để tiếp tục học lên cao.

        “Nếu xác định được như vậy thì các em sẽ tập trung vào học kiến thức và chỉ coi cuộc thi như một lần thử sức về mặt văn hoá, có như vậy các em mới không cảm thấy áp lực và đạt được kết quả thi tốt hơn”, ông Thành nói.                                                                                                                                                                                                                                Nguồn: Báo Lao động