Hội nghị tổng kết hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh năm học 2019-2020 Triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2020-2021 cấp Trung học cơ sở

          Ngày 17/9/2020 tại Trường Trung học cơ sở Hồng Quang huyện Nam Trực. Cấp học Trung học cơ sở (THCS) ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện đã tổ chức hội nghị Hội nghị tổng kết hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh năm học 2019-2020 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2020-2021.  Về tham dự Hội nghị có Lãnh đạo chuyên viên phụ trách cấp học, Hiệu trưởng và các ông bà Trưởng Ban Đại diện cha mẹ học sinh các trường THCS trong huyện.

           Hội nghị đã thông qua báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo về công tác Hội cha mẹ năm học 2019-2020, phương hướng nhiệm vụ công tác hội cha mẹ năm học 2020-2021. Các Đại biểu đã đóng góp ý kiến tích cực để xây dựng báo cáo và chương trình hành động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh các nhà trường để cùng các Ban giám hiệu và toàn thể cán bộ giáo viên học sinh thực hiện thắng lợi mục tiêu của ngành GD&ĐT trong năm đầu của nhiệm kỳ mới 2020-2025. Ban biên tập xin giới thiệu một số nội dung cơ bản trong bản báo cáo đã trình bày trong hội nghị:

          THỨ NHẤT: MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC NĂM HỌC 2019-2020

          1.Thi vào lớp 10 THPT

          Năm học 2020-2021 toàn huyện có 1996/2502 thí sinh dự thi đạt 75,49%, kết quả: 81 học sinh đỗ vào các trường chuyên, xếp thứ 2 toàn tỉnh. Trong đó có 76 học sinh đỗ vào trường chuyên Lê Hồng Phong, 05 học sinh đỗ vào các trường chuyên khác trong hệ thống giáo dục. Tiêu biểu là các trường: Nguyễn Hiền: 54 học sinh,  Điền Xá: 07 học sinh, Nam Hồng: 06 học sinh, Hồng Quang: 03 học sinh, Nam Dương: 03 học sinh, Nam Tiến: 03 học sinh,…; Điểm thi tuyển sinh đại trà bình quân môn văn xếp thứ 2; môn toán xếp thứ 3 toàn tỉnh. Điểm tuyển sinh vào các trường: Trường THPT Nam Trực 14,75 điểm; THPT Lý Tự Trọng 14,0 điểm; THPT Trần Văn Bảo 13,5 điểm; THPT Nguyễn Du 11,0 điểm. Nam Trực nằm trong tốp dẫn đầu của tỉnh về điểm tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2020-2021.

          2. Kết quả triển khai chương trình tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 (trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên; chất lượng bộ môn,…)

           Về thuận lợi: Việc triển khai đề án nhằm mục đích nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh đồng bộ trong hệ thống giáo dục công lập theo hệ 10 năm (từ lớp 3 đến lớp 12), thay hệ 7 năm (từ lớp 6 đến lớp 12)  trước đây, giúp học sinh cuối các cấp học đạt năng lực ngoại ngữ (nghe, đọc, nói, viết) theo quy định của Bộ GDĐT. Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân dân về tầm quan trọng của việc dạy và học tiếng Anh; nâng cao chất lượng giáo dục bộ môn tiếng Anh tại các đơn vị. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và chất lượng thiết bị phục vụ dạy và học tiếng Anh.Giáo viên đã cải thiện về phương pháp giảng dạy, đặc biệt là các kỹ năng dạy nghe nói, từ vựng, đa dạng hoá các hoạt động và trò chơi trên lớp giúp tạo động lực và hứng thú cho học sinh, các kỹ thuật quản lý lớp và kỹ năng quan sát, dự giờ, tạo cơ hội cho giáo viên chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức với các đồng nghiệp khác và giúp các giáo viên nâng cao động lực và kỹ năng tự học tiếng Anh. Những tiến bộ về kỹ năng giảng dạy cũng như những thay đổi trong việc nhìn nhận vai trò của giáo viên trong lớp học đã được cải thiện thông qua các giờ giảng thử trong sinh hoạt chuyên môn.

          Những khó khăn: Một số trường còn thiếu các thiết bị phục vụ cho việc học tiếng, các thiết bị nghe nhìn chưa đủ hoặc cũ, hỏng, không đảm bảo chất lượng, chưa có điều kiện mua sắm, bổ sung kịp thời.Hầu hết các trường chưa có phòng học ngoại ngữ riêng, các thiết bị hiện đại phục vụ giảng dạy còn ít. Ý thức học tập môn tiếng Anh của nhiều học sinh chưa cao, các em chưa ý thức được vai trò của ngoại ngữ trong học tập và công việc sau này, phần lớn có tâm lý học để qua được các kỳ thi, chưa chú ý học, luyện tập để phát triển khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ.

          3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục

         Xây dựng hệ thống phòng họp trực tuyến đặt tại các trường THCS. Phòng GDĐT đã tham gia họp trực tuyến với Sở GDĐT, với các trường trong toàn huyện. Triển khai hạ tầng và thiết bị CNTT cho đơn vị và các cơ sở giáo dục (CSGD) phối hợp với các nhà mạng lắp đặt mạng Internet đáp ứng các phần mềm: cơ sở dữ liệu ngành; sổ liên lạc điện tử ở 100% các CSGD.

        Tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ hoạt động dạy-học, nghiên cứu khoa học”. Triển khai đồng bộ các phần mềm quản lý trong các CSGD, kết nối liên thông dữ liệu với phần mềm cơ sở dữ liệu ngành; tăng cường sử dụng hồ sơ điện tử (sổ điểm, học bạ, sổ liên lạc).

          Tiếp tục phát động giáo viên tham gia xây dựng bài giảng E-learning và đóng góp vào kho bài giảng E-learning trực tuyến toàn ngành; khuyến khích các CSGD sử dụng các phần mềm trong dạy học; khai thác sử dụng có hiệu quả kho bài giảng E-learning, kho học liệu số của ngành phục vụ nhu cầu tự học và đổi mới, sáng tạo trong hoạt động dạy và học; triển khai mô hình giáo dục điện tử, lớp học, trường học thông minh; cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

          Năm học vừa qua, trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống xã hội trong đó có giáo dục, với phương châm “tạm dừng đến trường không dừng học”. Phòng GDĐT đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai thành công việc dạy học trực tuyến đồng bộ ở tất cả các khối lớp, đặc biệt là khối lớp 9. Nỗ lực này được Sở GDĐT đánh giá cao, Nam Trực là huyện đi đầu trong công tác tổ chức dạy học trực tuyến, nhận được sự ủng hộ của phụ huynh trong toàn huyện, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, chất lượng thi vào THPT nói riêng.

          4. Tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo

         Thực hiện Thông tư số 17, 18, 19/2018/TT-BDGĐT ngày 22/8/2018 vừa công nhận trường đạt chuẩn quốc gia vừa công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục, Phòng GDĐT chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài, tăng cường cơ sở chất đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn tại thông tư, bước đầu bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu phục vụ dạy và học. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy. Bên cạnh đó, các đơn vị tích cực thực hiện Quyết định số 94/QĐ- SGD&ĐT ngày 22/2/2019 quy định tiêu chuẩn công nhận trường đạt chuẩn Xanh-Sạch-Đẹp-An toàn. Các cơ sở rà soát, đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất phù hợp với tình hình thực tế, gắn với chương trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kết quả:

        Các công trình xây mới trong năm học: 32 phòng học (THCS Điền Xá 04 phòng, THCS Hồng Quang 10 phòng, THCS Đồng Sơn 04 phòng, THCS Nam Toàn 06 phòng, THCS Nghĩa An 08 phòng); 02 thư viện và không gian sân vườn (THCS Nam Cường, THCS Nghĩa An); 02 sân giáo dục thể chất hiện đại (THCS Điền Xá, THCS Hoàng Ngân)…

          Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, chuẩn Xanh-Sạch-Đẹp-An toàn, đảm bảo tiến độ xây dựng Nông thôn mới nâng cao. Trong năm học có 03 trường được Sở GDĐT Nam Định đánh giá ngoài đạt Kiểm định chất lượng giáo dục, tương đương với trường đạt chuẩn Quốc gia, chuẩn Xanh-Sạch-Đẹp-An toàn là: THCS Nam Thắng, THCS Đồng Sơn, THCS Nam Lợi đạt Kiểm định chất lượng mức độ 3, tương đương với trường chuẩn quốc gia mức độ 2; THCS Nghĩa An đạt Kiểm định chất lượng mức độ 2, tương đương với trường chuẩn quốc gia mức độ 1; THCS Nam Thắng, Đồng Sơn, Nam Lợi, Nghĩa An đạt chuẩn Xanh-Sạch-Đẹp-An toàn và chuẩn Thư viện tiên tiến.

          THỨ HAI: HOẠT ĐỘNG CỦA BAN ĐẠI DIỆN CHA MẸ HỌC SINH NĂM HỌC 2019-2020.

          1. Tổ chức của Ban đại diện cha mẹ học sinh

          – Các trường đều có ban đại diện cha mẹ học sinh từng lớp và ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường.  

          + Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thường gồm hai hoặc ba người trong đó có một chi hội trưởng còn lại là chi hội phó và ủy viên.

          + Ban đại diện cha mẹ học sinh trường gồm có 1 Trưởng ban, 1 đến 2 Phó ban; các Chi hội trưởng và Chi hội phó còn lại là ủy viên.

          2. Việc thực hiện nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường

          a. Việc phối hợp với Hiệu trưởng tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học và các hoạt động giáo dục.

          – Ban đại diện cha mẹ học sinh đã phối hợp chặt chẽ với Hiệu trưởng triển khai các hoạt động theo các nội dung đã được thống nhất tại cuộc họp đầu năm học của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường với Ban chi ủy, Ban giám hiệu và đại diện các đoàn thể trong nhà trường (thường diễn ra vào cuối tháng 8 đầu tháng 9), gồm các mặt: giáo dục trí dục, đức dục, lao động, hướng nghiệp, dạy nghề, giáo dục thể chất, văn nghệ, thẩm mĩ… và xây dựng cơ sở vật chất nhà trường.

          – Ban đại diện cha mẹ học sinh phối hợp chặt chẽ với nhà trường để giáo dục học sinh, quản học sinh tự học thời gian ở nhà, đặc biệt quan tâm tới những học sinh chưa ngoan, chưa có ý thức học để giúp các em học tập tốt hơn. Nắm vững kết quả học của nhà trường, của từng khối lớp, từng cá nhân học sinh để phối hợp cùng nhà trường có trách nhiệm động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể lớp, những học sinh có nhiều thành tích, giúp đỡ những tập thể, cá nhân còn chậm tiến bộ. Phối hợp với các tổ chức trong nhà trường đặc biệt là Đoàn Đội tổ chức các phong trào thi đua học tập. Hỗ trợ, thăm hỏi, động viên các em có hoàn cảnh khó khăn hoặc gặp chuyện không may trong cuộc sống.

          Tiêu biểu như:

          + Năm học 2019-2020 Ban đại diện CMHS trường THCS Hồng Quang đã phát động, xây dựng được quỹ khuyến học, phát thưởng động viên cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và các em học sinh đạt thành tích cao trong công tác và học tập với tổng số tiền là 90.000.000đ.

          + Trường THCS Nam Thắng đã xây dựng và duy trì quỹ khuyến học trên 50.000.000đ để khen thưởng, động viên khích lệ học sinh có thành tích cao trong học tập và động viên, thăm hỏi những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong học tập và trong những dịp lễ tết.

          – Công tác hướng nghiệp dạy nghề: Ban đại diện CMHS phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh, tư vấn hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho các em. Một số nhà trường còn hướng dẫn các em tìm hiểu các ngành nghề truyền thống của địa phương.

          – Phối hợp cùng nhà trường xây dựng cơ sở vật chất trường lớp: cùng với chính quyền xã, Hội phụ huynh đã đóng góp xây dựng trường lớp, mua sắm mới, tu sửa cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động dạy và học. Ngoài các thiết bị thông thường như bàn, ghế, bảng…, nhiều trường hội đã hỗ trợ nhà trường mua sắm các thiết bị hiện đại phục vụ học tập. Hỗ trợ nhà trường trong việc tạo cảnh quan trường lớp xanh, sạch, đẹp.

          Tiêu biểu như:

          + Trường THCS Đồng Sơn đã hoàn thành công trình hội gồm: nhà để xe học sinh, phòng bảo vệ, sân đá bóng học sinh trị giá 426.000.000đ.

          + Hội CMHS trường THCS Hồng Quang đã tặng nhà trường các công trình: hệ thống thoát nước trên sân trường; hệ thống cây bóng mát, thảm xanh trên sân trường; san lấp sân tập cho học sinh với tổng trị giá: 420.000.000đ.

          + Trường THCS Nguyễn Hiền được ủng hộ lắp đặt hệ thống Camera, xây dựng sân khấu và thiết bị khác với tổng trị giá gần 400.000.000đ,…

          b. Việc phối hợp với Hiệu trưởng hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương chính sách về giáo dục đối với cha mẹ học sinh nhằm nâng cao trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, giáo dục học sinh.

          – Ban đại diện cha mẹ học sinh đã phối hợp chặt chẽ với Hiệu trưởng, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương chính sách về giáo dục đối với cha mẹ học sinh nhằm nâng cao trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, giáo dục học sinh.

          – Ngay từ đầu năm học, 100% phụ huynh kí cam kết với nhà trường để ngăn chặn các tệ nạn xã hội đặc biệt là tệ nạn ma túy. 100% học sinh thực hiện tốt cam kết giữa cha mẹ và nhà trường, không có học sinh vi phạm pháp luật, không có học sinh vi phạm tệ nạn xã hội và ma túy học đường.

          – Thời gian nghỉ tết phụ huynh kí cam kết với nhà trường quản lí con em mình không vi phạm các quy định như: cấm đốt pháo, tàng trữ, vận chuyển chất cháy nổ…100% học sinh thực hiện tốt cam kết giữa cha mẹ và nhà trường, không có học sinh vi phạm.

          c. Việc phối hợp với Hiệu trưởng tổ chức giáo dục học sinh hạnh kiểm yếu tiếp tục rèn luyện trong dịp nghỉ hè ở địa phương.

          Hầu hết các trường không có học sinh có hạnh kiểm yếu phải tiếp tục rèn luyện trong dịp nghỉ hè ở địa phương. Tuy vậy các nhà trường cuối năm học đều làm tốt công tác bàn giao học sinh về gia đình và địa phương, đặc biệt là quan tâm tới những học sinh có hạnh kiểm trung bình, phụ huynh thường xuyên liên lạc trao đổi về sự phát triển của các em với nhà trường.

          d. Phối hợp với Hiệu trưởng giáo dục đạo đức cho học sinh.

          – Hội phụ huynh phối hợp với nhà trường giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

          – 100% phụ huynh học sinh thống nhất cao với nhà trường và kết hợp chặt chẽ với các thầy cô giáo chủ nhiệm trong việc giáo dục đạo đức học sinh, đặc biệt là giáo dục con em trong những ngày nghỉ ở nhà.

          3. Việc thực hiện nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp

          a. Việc phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh.

          Ban đại diện CMHS tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục và rèn luyện đạo đức cho học sinh; vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, kịp thời phản ảnh với nhà trường các nguyện vọng, ý kiến của phụ huynh về các hoạt động của trường, cùng với nhà trường giải thích, giải quyết các kiến nghị chính đáng của phụ huynh; cùng với học sinh ký cam kết chấp hành tốt ANTT, phòng chống bạo lực học đường, phòng cháy chữa cháy, ATGT,…

          b. Việc phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp CMHS trong năm học.

          – Hội phụ huynh kết hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp, bàn bạc thống nhất chuẩn bị các nội dung của cuộc họp CMHS đầu năm học cũng như các hoạt động khác của lớp gồm các nội dung: Thông báo kết quả học tập, tu dưỡng đạo đức của học sinh; bàn bạc tìm ra biện pháp phối hợp giữa cha mẹ và nhà trường để giáo dục học sinh; khen thưởng động viên những học sinh có thành tích tốt, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn; vận động học sinh bỏ học đến trường…

          c. Việc tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác.

          – Động viên, tạo điều kiện để con em tham gia vào các cuộc thi: Sáng tạo KHKT;Hội thi Hùng biện tiếng Anh; các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT…

          – Chi hội các lớp có quỹ thưởng để thưởng cho học sinh có thành tích cao trong học tập, học sinh nghèo vươn lên học giỏi, hỗ trợ cho học sinh khuyết tật, động viên các em học tập, hòa nhập cộng đồng.

          – Tạo điều kiện miễn giảm các khoản đóng góp của Chi hội cho học sinh con hộ nghèo, học sinh mồ côi không nơi nương tựa. Ban đại diện cha mẹ làm tốt công tác khuyến học trong nhà trường cũng như ở địa phương. Hội có quỹ thưởng để thưởng cho học sinh có thành tích cao trong học tập, học sinh nghèo vươn lên học giỏi, tặng học bổng cho học sinh khuyết tật, động viên các em học tập, hòa nhập cộng đồng.

          – Tạo điều kiện miễn giảm các khoản đóng góp của Hội cho học sinh con hộ nghèo, học sinh mồ côi không nơi nương tựa.

          4. Hoạt động của CMHS và Ban đại diện CMHS

          a. Các cuộc họp của toàn thể CMHS:

          Trong năm học các nhà trường thường tổ chức các cuộc họp của toàn thể CMHS vào đầu năm học, kết thúc học kì I và kết thúc năm học. Lên kế hoạch các hoạt động, triển khai thực hiện, tổng kết hoạt động cuối mỗi giai đoạn và cuối năm học.

          b. Các cuộc họp của Ban đại diện CMHS:

          – Trong năm học định kì thường có 03 cuộc họp của Ban đại diện CMHS vào đầu năm học, kết thúc học kì I và kết thúc năm học, các cuộc họp này diễn ra vào trước thời điểm họp toàn thể CMHS.

          – Ngoài ra còn có cuộc họp riêng của phụ huynh học sinh khối 9 chuẩn bị cho học sinh ôn thi vào THPT.

          c. Các hoạt động triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền của Ban đại diện CMHS và các nội dung, kế hoạch hoạt động,…

          – Đầu năm học Ban đại diện CMHS họp lập kế hoạch hoạt động năm học chung, kế hoạch chi tiết các giai đoạn, sử dụng quỹ hội một cách hiệu quả dưới sự tư vấn của Ban giám hiệu nhà trường chi cho các hoạt động của hội.

          5. Kinh phí hoạt động của Ban đại diện CMHS huy động

          a. Kinh phí hoạt động của Ban đại diện CMHS lớp(từ sự ủng hộ tự nguyện của CMHS và nguồn tài trợ hợp pháp khác…)

          Do sự ủng hộ tự nguyện của phụ huynh trong lớp. Số tiền này được dùng chi thưởng cho học sinh, chi hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó, học sinh khuyết tật (nếu có), chi thăm hỏi các thầy cô của lớp vào các ngày lễ lớn, chi vào các hoạt động khác của lớp phục vụ học tập chính khóa hoặc ngoại khóa (Phô tô tài liệu học tập, chi cho các cuộc thi văn nghệ, các hoạt động ngoài giờ…)

          b. Kinh phí hoạt động của Ban đại diện CMHS trường.

          Thường chia thành hai loại:

          – Công trình hội: Chi xây mới hoặc sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm sửa chữa trang thiết bị phục vụ dạy học. Mức độ huy động tùy thuộc đặc điểm địa phương và điều kiện cơ sở vật chất cụ thể của nhà trường.

          – Quỹ hội: Chi thưởng cho học sinh, Chi hoạt động phong trào, Chi thăm hỏi, Chi kinh phí cho các hoạt động khác của hội…  

          – Ngoài số tiền đóng góp định mức của phụ huynh nói chung còn có nguồn tài trợ của một số phụ huynh hoặc các doanh nghiệp trên địa bàn hay con em quê hương thành đạt hỗ trợ quỹ khuyến học.

           VỀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM HỌC 2020-2021 BÁO CÁO ĐÃ CHỈ RÕ CÁC NỘI DUNG SAU:

          – Kiện toàn Ban đại diện CMHS của lớp, trường.

          – Xây dựng kế hoạch hoạt động của Ban đại diện CMHS nhà trường và các lớp: kế hoạch hoạt động, kế hoạch tăng cường cơ sở vật chất cho nhà trường trong năm học.

          – Huy động các nguồn kinh phí cho hoạt động của Ban đại diện CMHS.

          – Tham mưu với lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương để xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường phục vụ các hoạt động giáo dục.

          – Tích cực phối hợp với nhà trường trong mọi mặt giáo dục toàn diện học sinh, khen thưởng, động viên kịp thời giáo viên, học sinh có thành tích xuất sắc; Hỗ trợ động viên học sinh có hoàn cảnh khó khăn…

          – Giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống, tăng cường hoạt động giáo dục thể chất cho học sinh.

          – Nâng cao chất lượng học sinh giỏi, chất lượng đại trà.

          – Thực hiện hiệu quả Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, bổ sung trang thiết bị dạy học, nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh đồng bộ trong hệ thống giáo dục công lập theo chương trình hệ 10 năm.

          – Tích cực thực hiện Quyết định số 94/QĐ- SGDĐT ngày 22/2/2019 quy định tiêu chuẩn công nhận trường đạt chuẩn Xanh-Sạch-Đẹp-An toàn. Các cơ sở rà soát, đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất phù hợp với tình hình thực tế, gắn với chương trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao

          – Triển khai xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cho việc đổi mới chương trình GDPT.

          – Khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học.

          Các đại biểu đã hoàn toàn nhất trí với bản báo cáo trên và bổ sung thêm một số ý kiến về những khó khăn hiện tại của các cơ sở giáo dục khi thực hiện nhiệm vụ như: Vấn đề thừa thiếu bất cập giáo viên, vấn đề áp dụng thông tư 13/2020/TT-BGD ĐT ngày 05/5/2020 quy định về trường đạt chuẩn Quốc gia, vấn đề chuẩn bị các điều kiện cho thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 và đặc biệt là công tác xã hội hóa giáo dục để các bậc cha mẹ học sinh thực sự là cầu nối giữa nhà trường và xã hội và gia đình để huy động các nguồn lực cho công tác giáo dục.

          Thay mặt lãnh đạo ngành GD&ĐT Nam Trực, Thầy Nguyễn Mạnh Hưng – Phó trưởng phòng, đã ghi nhận sự cố gắng của các nhà trường, sự phối kết hợp tốt giữa các nhà trường với cha mẹ học sinh để hoàn thành thắng lợi mục tiêu giáo dục, đồng thời nhấn mạnh các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài để thực hiện các mục tiêu giáo dục của toàn ngành. Tất cả các kế hoạch chỉ tiêu khi xây dựng và triển khai thực hiện phải bảo đảm cập nhật các văn bản mới, đúng nguyên tắc và các quy chế hiện hành, bảo đảm tính dân chủ để huy động tối đa các nguồn lực của toàn Đảng, toàn dân cho sự nghiệp giáo dục.

     Các đại biểu đã hoàn toàn nhất trí. Hội nghị đã thành công tốt đẹp. 

 (Một số hình ảnh tại Hội nghị)             

IMG-5017                        . 1600335099325

.
1600327324841

Nguồn: Ban biên tập Phòng GD&ĐT Nam Trực