TRƯỜNG MẦM NON NAM MỸ, NAM TRỰC – SÁNG TẠO XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG CHO TRẺ

          Trường mầm non Nam Mỹ, huyện Nam Trực luôn chú trọng tới việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm “Lấy trẻ làm trung tâm”, giáo viên thân thiện, gần gũi, xem trường như là nhà, xem trẻ như là con, “Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt” và “Mỗi đứa trẻ đều có cơ hội được học bằng nhiều cách khác nhau”.

          Để đạt được các mục tiêu trên, việc xây dựng cảnh quan môi trường hoạt động trong và ngoài lớp rất quan trọng, bởi môi trường hấp dẫn sẽ tăng tính tò mò kích thích trẻ tham gia tìm tòi khám phá, bộc lộ khả năng cá nhân, qua đó tạo cho trẻ làm quen với các loại hình học tập gần gũi với cuộc sống đời thường, giúp trẻ phát triển tốt về tình cảm, các kỹ năng, thói quen tốt ở độ tuổi mầm non. Nhận thức rõ điều đó, trong những năm qua trường mầm non Nam Mỹ luôn luôn quan tâm và chú trọng đến việc xây dựng môi trường trong lớp, ngoài lớp để có điều kiện tốt nhất cho trẻ được trải nghiệm khám phá tìm tòi và học hỏi trong môi trường giáo dục lành mạnh thiết thực và hiệu quả. Từ việc cải tạo nâng cấp sân vườn, trang trí các góc học tập làm đồ dùng đồ chơi, tạo không gian để trẻ được học bằng chơi, chơi mà là học, tạo ra hứng thú đam mê và sự tìm tòi khám phá ở mỗi trẻ.

Ảnh sân trường

(Sân trường mầm non Nam Mỹ)

          Trong lớp học, giáo viên tạo ra những góc chơi luôn mới lạ, với những màu sắc sinh động, những đồ chơi hấp dẫn, nhân vật ngộ nghĩnh cuốn hút trẻ. Trò chơi xây dựng là một loại trò chơi biểu hiện khả năng tạo hình sáng tạo, trí tưởng tượng, tình cảm và sự tò mò, học hỏi của trẻ với những vật liệu tự kiếm như hộp sữa, hộp thuốc, dầu gội, chai mỹ phẩm, xốp màu, gỗ vụn để làm thành những cây hoa đầy màu sắc, những chiếc ô tô, viên gạch để trẻ có thể lắp ghép xây dựng tạo nên 1 công trình như công viên, vườn hoa.

Góc xây dựng

(Góc xây dựng)

          Ở góc khám phá khoa học, trẻ có thể say mê với các thí nghiệm tìm hiểu về nguyên lí vận hành của một số sự vật hiện tượng trong đời sống xung quanh trẻ.

Góc khám phá khoa học

(Góc khám phá khoa học)

          Trẻ được tham gia nhiều hoạt động khác như bé vui học toán, đố bé về các con chữ nhằm phát triển các năng lực hoạt động trí tuệ như: quan sát, phân tích, phân loại, so sánh, suy luận, phán đoán, đếm trên từng đối tượng, khái quát … Ngoài ra góc học tập còn là nơi giúp giáo viên bồi dưỡng cho trẻ khả năng suy nghĩ, giải quyết vấn đề, bồi dưỡng tính kiên trì, sự tập trung chú ý, bồi dưỡng khả năng và hứng thú học tập, sự ham hiểu biết…Góc học tập còn là nơi trẻ có thể trao đổi, hợp tác, chia sẻ, giúp nhau trong học tập.

Góc học tập

(Góc học tập)

          Cô giáo tận dụng giấy thừa, những tờ lịch cũ để giúp trẻ sưu tầm tranh ảnh, cắt dán và đóng thành những quyển sách, bưu thiếp… Trẻ kể chuyện theo sách, trẻ cảm nhận được cái đẹp và hứng thú, say mê với sách, tạo cho trẻ về ý thức đọc sách sau này.

Góc sách truyện 1.

Góc sách truyện 2

(Góc sách truyện)

          Góc nghệ thuật là nơi trẻ được ca hát kết hợp với các loại nhạc cụ tự làm (từ vỏ bánh, nặn, vẽ, cắt dán, xé dán, in màu, gấp, xếp các loại đồ chơi từ các nguyên phế liệu, lá cây, giấy màu…) giúp trẻ thể hiện sáng tạo cái đẹp trong cuộc sống xung quanh.

Trẻ biểu diễn ở góc nghệ thuật

(Góc nghệ thuật)

          Góc vận động tinh với các đồ dùng đồ chơi tự kiếm như hột, hạt, chai nhựa, nút áo, vải vụn, xốp … giáo viên đã tạo ra cho trẻ những trò chơi hấp dẩn và bổ ích như đan tết tóc, xâu hột hạt, vặn nắp chai, gài cúc áo, xâu vòng, xâu hoa

Góc vận động tinh

(Góc vận động tinh)

          Các khu vực vui chơi ngoài trời với nhiều đồ chơi hấp dẫn bảo đảm an toàn, đẹp, có sức lôi cuốn trẻ. Ở đây trẻ được vui chơi thỏa thích trên thảm cỏ, sân bóng mini, được đi, leo, trèo, nhảy, bật, bò trên các bục bật, bục nhảy, thang leo, ghế thể dục, cổng chui, các loại đồ dùng vận động tinh cũng rất phong phú và đa dạng theo từng độ tuổi, các trò chơi dân gian nhằm phát triển cơ tay cơ chân và sự nhanh nhẹn, hoạt bát, mạnh mẽ, khéo léo cho trẻ.

HĐ vui chơi ngoài trời 2 .Hoạt động vui chơi ngoài trời 1

(Trẻ vui chơi ngoài trời)

          Giáo viên luôn quan tâm đến việc tạo ra môi trường để trẻ được hóa thân vào các nhân vật trong câu chuyện kể, xúng xính trong các bộ váy áo rực rỡ sắc màu, cùng nhau ca múa.

Trẻ đóng kịch

(Trẻ đóng kịch)

Trẻ biểu diễn văn nghệ

(Trẻ biểu diễn văn nghệ)

          Thông qua môi trường trong lớp và môi trường bên ngoài đã kích thích ở trẻ trí tò mò khám phá, ham học hỏi và từ đó giúp cho trẻ được phát triển một cách toàn diện, hình thành các kỹ năng sống nhất là các kỹ năng tự phục vụ. 

Trẻ ăn buffe

(Trẻ ăn buffe)

          Việc xây dựng môi trường thân thiện lấy trẻ làm trung tâm trong trường mầm non là thực sự cần thiết và quan trọng. Nó được ví như người giáo viên thứ hai trong công tác tổ chức, hướng dẫn cho trẻ nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi và hoạt động của trẻ, thông qua đó, nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển toàn diện. Một môi trường sạch sẽ, an toàn, có sự bố trí khu vực chơi và học trong lớp và ngoài trời phù hợp, thuận tiện có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với sự phát triển thể chất của trẻ, mà còn thỏa mãn nhu cầu nhận thức, mở rộng hiểu biết của trẻ, kích thích trẻ hoạt động tích cực, sáng tạo.

          Môi trường giao tiếp cởi mở, thân thiện giữa cô với trẻ, giữa trẻ với trẻ và giữa trẻ với môi trường xung quanh sẽ tạo cơ hội cho trẻ được chia sẻ, giãi bày tâm sự, nguyện vọng, mong ước của trẻ với cô, với bạn bè, nhờ vậy mà cô hiểu trẻ hơn, trẻ hiểu nhau hơn, hoạt động phối hợp nhịp nhàng hơn nên hiệu quả hoạt động cũng cao hơn, trẻ yêu trường, yêu lớp, yêu cô giáo và bạn bè hơn.

Nguồn: Vũ Thị Minh Lý – Phó Hiệu trưởng trường mầm non Nam Mỹ