Tín hiệu vui từ cuộc thi Robot và lập trình Kodu huyện Nam Trực

Báo Nam Định – Tác giả: Bài và ảnh: Minh Thuận

Trong Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, giáo dục định hướng STEM có vai trò quan trọng, được nhấn mạnh và chú trọng phát triển. Trong đó, nội dung STEM Robot đóng vai trò mũi nhọn không chỉ vì vai trò quan trọng của nó trong việc khẳng định, định hướng đúng đắn của ngành giáo dục về thay đổi cách dạy học, từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh mà còn vì nó luôn được đông đảo học sinh đón nhận một cách say mê, nồng nhiệt. 

images1342324_Untitled_1

Học sinh các trường tiểu học huyện Nam Trực thi Robot “Chiến binh bảo vệ môi trường”. 

Với mục đích tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh, giúp học sinh được trải nghiệm, được phát triển bản thân; tạo điều kiện thuận lợi để các em được vận dụng kiến thức học tập vào thực tế; thúc đẩy phong trào học tập, rèn luyện, sáng tạo khoa học, kỹ thuật trong các nhà trường; đúng vào dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh nhật Bác (19-5-2022), Phòng GD và ĐT huyện Nam Trực tổ chức Ngày hội giao lưu Câu lạc bộ (CLB) Robot và lập trình Kodu dành cho học sinh tiểu học với chủ đề “Chiến binh bảo vệ môi trường”. Tham gia giao lưu các CLB Robot có 48 học sinh các khối lớp 3, 4, 5, đại diện cho CLB Robot của 16/20 trường tiểu học trên địa bàn huyện. Tham gia cuộc thi lập trình Kodu có 150 học sinh các khối lớp 1, 2 của 17/20 trường tiểu học trên địa bàn huyện. Ở cuộc thi Robot, mỗi đội tự thiết kế và chế tạo một Robot Chiến binh bảo vệ môi trường, mà trong đó, các đội được tự do sử dụng các linh kiện, phụ kiện điện tử, các loại cảm biến khác nhau để thiết kế sản phẩm của mình. Các đội tự sáng tạo phần cấu trúc, tùy chọn vật liệu cho khung vỏ như: bìa, formex, mica, nhựa, sử dụng chi tiết in 3D hoặc có thể sử dụng các mẫu thiết kế robot có sẵn trên thị trường. Robot di chuyển và thực hiện nhiệm vụ thi đấu có thể được điều khiển không dây từ xa qua sóng bluetooth, laser, hồng ngoại,… và điều khiển tự động hoàn toàn (phải có lập trình). Mỗi đội được sử dụng 1 robot để thực hiện các nhiệm vụ thi đấu trên sân. Nhiệm vụ thi đấu là: Trong một lần dạo quanh trái đất, chiến binh bảo vệ môi trường lạc vào một công viên có khá nhiều rác và ít cây xanh. Chiến binh bảo vệ môi trường liền bắt tay vào việc dọn rác và trồng thêm cây xanh. Mỗi đội có 5 phút điều khiển robot gắp 3 vật tượng trưng rác cho vào thùng đựng rác và lấy 2 cây giống trồng vào vị trí quy định, sau đó di chuyển đến vị trí đường màu đen tự động về đích. Ở cuộc thi lập trình Kudo, học sinh dùng tất cả các công cụ sẵn có của phần mềm Kodu Game Lab để thiết kế bài lập trình trên máy tính tạo ra một mô hình theo yêu cầu của đề bài. Sản phẩm có nội dung, kỹ thuật, đồ họa, mô hình bắt mắt, sáng tạo, hấp dẫn người xem, các nhân vật có sự tương tác. Học sinh tham gia thi đấu làm bài lập trình trên máy tính xách tay hoặc máy tính bàn. Nhiệm vụ lập trình theo chương trình sách Em học lập trình với Kodu 1 của tác giả Đào Thái Lai (chủ biên). Các sản phẩm dự thi được chấm điểm trực tiếp trên máy tính của học sinh đã làm.

Buổi giao lưu diễn ra trong không khí sôi nổi, thực sự trở thành cuộc “tranh tài” gay cấn giữa các đội tham gia. Trong đó, các thí sinh vận dụng kiến thức liên môn STEM (khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán học) cùng với kỹ năng thiết kế và lập trình Robot tìm ra giải pháp thiết thực để giải quyết những tình huống đưa ra cho từng phần thi. Qua đó cho thấy CLB STEM Robot của các nhà trường đã hoạt động rất hiệu quả, biến “học” thành “hành”. Qua việc được thực hành, các em phát huy được tính sáng tạo, năng lực, biết vận dụng kiến thức đã học để áp dụng vào thực tiễn với một chủ đề rất “nóng” hiện nay là biết bảo vệ môi trường sống thông qua việc thu gom rác, phân loại rác đúng quy định.

Năm nay là năm thứ 3, Phòng GD và ĐT huyện Nam Trực tổ chức cuộc thi này. Cuộc thi đang dần trở thành sân chơi bổ ích, lý thú, khơi dậy sức sáng tạo, tình yêu khoa học công nghệ trong học sinh, nhất là học sinh cấp tiểu học. Những năm gần đây, Nam Trực là đơn vị đi đầu tỉnh trong việc triển khai giáo dục STEM ở các cấp học, bậc học. Ngay từ năm học 2015-2016 khi Bộ KH và CN và Liên minh STEM phối hợp tổ chức ngày hội STEM lần đầu tiên, Nam Trực đã hưởng ứng bằng các hoạt động giáo dục phù hợp, đưa giáo dục STEM vào các trường học. Trong các năm học tiếp theo, Phòng GD và ĐT huyện xác định một trong những nhiệm vụ trọng yếu của giáo dục là phải thực hiện theo mục tiêu: “Quán triệt tinh thần dạy học theo định hướng STEM, chỉ đạo nhiều hoạt động giáo dục tích hợp, liên môn, các hoạt động nghiên cứu khoa học, CLB khoa học chú trọng các hoạt động gắn liền với đặc thù địa phương”. Trên cơ sở đó, Phòng GD và ĐT huyện tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán; chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất; tập huấn cho giáo viên toàn huyện, kết hợp công tác tuyên truyền, làm thí điểm ở một số trường; cử đội ngũ cốt cán các nhà trường tham quan nhiều cơ sở giáo dục đã triển khai thành công giáo dục STEM cũng như tham dự nhiều chương trình liên quan đến giáo dục STEM như: Tham dự “Ngày hội khoa học, kỹ thuật huyện Thái Thụy (Thái Bình); tham dự Ngày hội STEM với chủ đề “Cỗ máy thời gian” do Cục Thông tin KH và CN quốc gia, Tạp chí Tia sáng, Học viện Sáng tạo S3 và một số đơn vị phối hợp tổ chức… Từ những trải nghiệm đó, đội ngũ cốt cán chuyên sâu về giáo dục STEM có khả năng tổ chức các hoạt động giáo dục STEM và phổ biến kiến thức giáo dục STEM trên địa bàn. Các trường cũng tiến hành tuyên truyền để thay đổi nhận thức cho phụ huynh và học sinh; tổ chức các chuyến đi cho học sinh các nhà trường trải nghiệm tại các trung tâm, học viện của liên minh STEM; tuyên truyền dưới cờ, trong các buổi hoạt động ngoại khoá, trong sinh hoạt các CLB; tổ chức các hoạt động trưng bày sản phẩm tái chế, cuộc thi robotic, sinh hoạt CLB khoa học, hoạt động “Hội chợ xuân yêu thương”, “Ngày hội STEM Nam Trực”, trải nghiệm làng nghề quê hương… Các nhà trường đã thành lập các mô hình CLB STEM như: STEM khoa học, STEM tái chế, STEM robotic… thu hút đông đảo học sinh tham gia sinh hoạt, đem lại hiệu quả cao, góp phần thay đổi nhận thức và hành động của học sinh về giáo dục STEM, bước đầu hình thành kiến thức và kỹ năng STEM cho học sinh. Tiêu biểu như các trường: Tiểu học Nam Đào, Tiểu học Nam Tiến, Tiểu học Nam Cường… Các sản phẩm STEM, khoa học kỹ thuật, các giải thưởng trong các cuộc thi lập trình robot, AMC, HOMC… và sự thay đổi nhận thức, bước đầu hình thành kiến thức và kỹ năng STEM của học sinh các nhà trường là minh chứng cho hiệu quả việc triển khai giáo dục STEM tại Nam Trực.

Cuộc thi robotic nói riêng và định hướng giáo dục STEM nói chung đang được triển khai hiệu quả tại các trường học trên địa bàn huyện Nam Trực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục toàn diện trong các nhà trường, đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới giáo dục trên địa bàn huyện./.

Ban Biên tập Phòng Giáo dục và Đào tạo Sưu tầm