Mẹ và đất nước trong thơ Nguyễn Hồng Vinh

Nguồn: Báo GD&TĐ – Người ta thường nói “Văn là người, thơ là bản sao của tâm hồn”, tôi thật đồng cảm và tâm đắc khi ngẫm về điều này.

1

Ảnh minh hoạ.

Đọc những bài báo, những tập thơ của PGS, TS, Nhà báo, Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh và cả khi nghe ông diễn giải trên các diễn đàn, tôi càng thấy tâm đắc điều đúc kết trên đây.

Để có thơ phải làm thơ, nhưng với Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh thì dường như “mộc mạc nên thơ”. Mạch cảm xúc thơ của ông cũng khá đa dạng và nhiều khía cạnh, nhân tình thế thái, cấp độ. Có những ngữ cảnh, tứ thơ thì “con diều ngôn ngữ” của ông đành để cho sợi dây diều mong manh kìm níu. Nhưng chủ cảm vẫn là bay bổng mà lắng sâu, thăng hoa mà đằm thắm, nhất là những bài thơ về mẹ, về quê hương, đất nước.

2

Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê chiêm trũng, tuổi thơ của ông song hành cùng khốn khó, lớn lên từ lam lũ, tần tảo và dưỡng dục của mẹ cha. Những ý thơ, vần thơ của ông cứ cứa cắt, đau đáu nỗi lòng tri ân công cha nghĩa mẹ đã tất cả vì học hành, nên người của con. “Đường làng nắng hè nung lửa/… Oằn lưng thúng thóc mẹ bưng/… Nối nhau gió mùa đông bắc/ Giữa đồng bóng mẹ mong manh/… Lầm lũi nuôi con ăn học/ Lòng mẹ thơm thảo bao dung” (Mẹ mãi còn đây).

Tôi tin một điều nếu ai ở thôn quê, đọc những câu thơ trên đều như thấy mẹ mình trong đó, đều đồng cảm với nhà thơ. Năm xưa mẹ oằn lưng bê thúng thóc giữa trưa hè nắng lửa, để bây giờ nhà thơ mãi oằn lòng nhớ thương. “Mẹ biết chăng, con day dứt bao năm/ Khi cháu lớn, con khôn, Mẹ lại về với đất/ Canh cánh ước điều, mãi là điều ước/ Có phép màu nào, Mẹ sống lại hôm nay” (Nhớ mẹ).

Cha mẹ đã thanh thản về với thế giới người hiền từ lâu, nhà thơ không còn được báo đáp mẹ cha bằng sự ân cần chăm sóc, nhưng ông đã báo đáp, tri ân đấng sinh thành bằng sự học hành thành đạt, thành danh, bằng những vần thơ – nén nhang lòng tạc mãi.

3

Ảnh minh hoạ.

Mẹ dạy con làm điều nhân nghĩa/ Đời nhắc con sống trọn tình người/ Cha cho con móng nhà vững chãi/ Đất nước cho con ngôi nhà bình yên” (Cho). Ông quên sao được thứ “dinh dưỡng” đặc biệt để nuôi phần hồn “Lắng sâu tiếng mẹ ru hời/ Trái sung lúc đói tình người lúc xa” (Sao không gửi nắng). Yêu quê hương, đất nước trong thơ Nguyễn Hồng Vinh không xa xôi, trừu tượng, như lời nhắn nhủ của mẹ cha “Nhắc thầm ở chốn thị thành/ Chớ quên đồng lúa nơi mình sinh ra”. Mẹ cha chỉ “nhắc thầm” thôi mà nhà thơ thấm lắm, nên cứ dung dị, đằm thắm ở “Khoảnh khắc Cầu Vòi”, “Hồn quê”, “Về lại sông Đào”, “Hoa thiêng”, “Trước cửa Ba Lạt”…

Yêu quê hương, nhớ quê nhà, ông không thể quên thời đèn sách. Tiếng trống trường năm xưa như vẫn giục hồi trong lòng, như thời học trò Nguyễn Hồng Vinh dưới mái trường cấp III Lý Tự Trọng – Nam Định quê hương: “Thời gian vụt đưa thoi/ Sương phủ đầy mái tóc/ Nghe trống trường điểm vọng/ Lòng nao nao bồi hồi” (Tiếng trống trường).

Nhiều năm học tập, sinh sống, làm việc ở Thủ đô, ông đã coi Hà Nội là quê hương thứ hai của mình, với biết bao ân tình. Ông vui, buồn cùng người dân Thủ đô, cùng tự hào về nghìn năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội “Đêm Xuân Tháp rùa lung linh/ Hồ Gươm khi đầy khi cạn/ Lòng người ăm ắp khí thiêng” (Một thoáng Tháp Rùa).

4

Ảnh minh hoạ.

Tình yêu quê hương, đất nước trong thơ Nguyễn Hồng Vinh cứ hòa quyện, đan xen. Nếu như đọc 9 tập thơ đã xuất bản và nhiều bài thơ mới của tác giả đã đăng trên các báo trong thời gian gần đây, thì thấy nhà thơ đã đi đủ “4 cực, 2 đỉnh” của đất nước, với rất nhiều địa danh lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Mũi Sa Vĩ, mũi Cà Mau, cột cờ Lũng Cú, đảo nổi, đảo chìm Trường Sa… Hàng nghìn địa danh, miền quê ông đến dường như đều có thơ; nếu như không có tình yêu, không có sự cảm nhận lý tính và bay bổng thì ông không thể đi, không thể viết được nhiều như thế, và cũng không thể “nên thơ” như thế, nó chỉ đơn thuần là một chuyến du lịch, khám phá hiếu kỳ!

Từ tình yêu dọc dài đất nước, từ nước ngoài và ngay cả khi trên máy bay hướng về dải đất hình chữ S thân yêu và niềm tự hào theo chiều sâu lịch sử mà tụ hội, nhân lên trong nhà thơ thành tình yêu Tổ quốc thiêng liêng, sâu nặng! “Trong xanh biếc một mầm cây cỏ/ Bao nhiêu giọt quê hương thắm đỏ/ Sông – Mẹ hiền – Đất nước thiêng liêng” (Thì thầm những dòng sông).

Sâu đậm tình yêu quê hương đất nước, yêu hòa bình của người dân Việt Nam, ông luôn tự hào với bạn bè: “Dân tộc tôi mấy ngàn năm chống giặc/ Yêu sự bình yên như yêu nhịp đập Tổ quốc mình/ Ngắm trời xanh, hoa nở, lắng tiếng chim/ Đón bè bạn trong vòng tay ấm áp” (Thăm mộ L.Tôn – Xtôi). Sự liên tưởng hồn nhiên và thi vị: “Sông Hồng Hà gọi sóng Von-ga/… Những người mẹ Nga yêu nước Việt vô vàn/… Nước Nga trong Tôi và tôi trong nước Nga” (Nước Nga trong tôi).

Yêu đất nước và khát vọng hòa bình, ông muốn nhân lên tình yêu và khát vọng đó ở những chiến sĩ gìn giữ giang sơn bờ cõi qua nhiều bài thơ thân thương dành cho người lính “Vẫn biết bão giông ập đến bất ngờ/ Và kẻ ác cứ rập rình sớm tối/ Vì Tổ quốc trường tồn là tối thượng/ Danh dự lính Cụ Hồ, anh chấp nhận gian nguy” (Xuân trong người lính đảo).

Yêu đất nước, ông yêu màu xanh quê hương, ruộng vườn, đồng bãi. “Có phải chăng nguồn nhựa đã căng cây/ Đợi hoe nắng là chồi non bừng dậy/ Hoa nở muộn nhưng hương len ngõ ngách/ Heo may về, lá vẫn mướt non xanh” (Cây giáng hương)

Năm 2021 sắp khép lại. Vậy là tròn hai năm đất nước cùng thế giới phải gồng mình chống đại dịch Covid-19. Hai năm ấy người ta hay nhắc, hay dùng từ “xanh” ở mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực – Hẳn là khát vọng xanh. Đọc thơ của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh thấy ông “khát vọng xanh” từ rất sớm. Từ năm 2010 đến nay ông đã đưa “xanh” vào nhiều bài thơ, cả màu xanh thực của cỏ cây hoa lá, cả màu “xanh” của những suy nghĩ, hành động, nhất là trong phòng chống đại dịch Covid-19 của các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ông đã có hơn chục bài thơ về cuộc chiến này. “Hãy gắng lên hỡi con/ Ngày thắng dịch tới gần/ Con trở về với mẹ/ Đám cưới vẫn còn Xuân” (Lời mẹ).

Bài thơ là nỗi niềm của người mẹ hai năm nay mong ngóng con nghỉ phép về cưới vợ. Nhưng vì đại dịch mà hạnh phúc trăm năm của người lính ấy cứ phải hoãn đi, hoãn lại. Người mẹ chưa toại nguyện nhưng vẫn động viên con yên tâm ở lại cùng đồng đội chống dịch, còn người con thấu hiểu nhiệm vụ của người chiến sĩ và lời mẹ nhân từ. Hy vọng dịch tan, anh chiến sĩ được trở về để có “Đám cưới đầu Xuân!” Bài thơ đã được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phổ nhạc ngay. Đó là tình cảm, sự động viên rất kịp thời đến cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng, các chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch nói chung của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh và Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.

Đọc bài thơ và nghe bài hát, tôi cứ thấy rưng rưng trước thềm xuân về hình ảnh người mẹ lồng quyện trong hình ảnh đất nước – cội nguồn của thi ca, nhạc họa, một món quà Xuân – món quà Xanh làm nên nhựa sống cho Đời! 

 Ban Biên tập Phòng Giáo dục và Đào tạo sưu tầm