Nam Trực: Khuyến học gần, khuyến học xa…

Nguồn báo QĐND

          “Các cháu ạ, đời người có thể đói cơm, thiếu áo, chứ đừng để đói con chữ…”. Nhưng điều gan ruột của cụ Phạm Thị Tân ở xóm đạo Chiền B, xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định năm xưa, bây giờ ngẫm lại, tôi thấy ẩn chứa sâu xa bao điều về khuyến học.

          Thời đèn sách ở Trường THPT Nam Trực, vì trường xa, nên cả ba năm học, tôi cùng ba người bạn ở trọ nhà cụ Phạm Thị Tân, bên nhà thờ xóm đạo Chiền B, xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Dẫu không phải con cháu trong nhà, chúng tôi lại là người bên lương, nhưng cụ bà người Công giáo đã dành cho chúng tôi sự ân cần như tình mẫu tử. Ở thôn quê, nhưng cụ hiểu biết và sâu sắc lắm: “Các cháu ạ, đời người có thể đói cơm, thiếu áo, chứ đừng để đói con chữ…”. Thời ấy, cụm từ “khuyến học” chưa mấy người quen. Nhưng điều gan ruột cụ Tân, bây giờ ngẫm lại, tôi thấy ẩn chứa sâu xa bao điều về khuyến học.

          Về Nam Trực hôm nay, cụ Tân đã đi theo tổ tiên, đã thăng cùng Đức Chúa, nhưng hồi cảm trong tôi vẫn y nguyên cái nóng hổi, ấm thơm của củ khoai, bắp ngô, mẻ lạc mà sáng sáng cụ dậy sớm luộc cho chúng tôi ăn, ấm bụng đến trường. Ba năm ấy nhân lên thì 4 chúng tôi tiêu tốn của cụ, nói như bây giờ, “cỡ tấn nông sản 0 đồng”.

          Chiều ấy, trong ngôi nhà nhỏ bên nhà thờ xứ đạo, bên mộ cụ Tân ở Nghĩa trang Chiền Đông, hương vị ngô khoai, âm hồi gan ruột người quá cố khiến tôi cứ bâng khuâng, bâng khuâng… như vô định. Chỉ khi chuông nhà thờ ngân vang mời giáo dân hành lễ, tôi mới sực tỉnh, để rồi chiêm nghiệm về khuyến học thời nay ở huyện nhà.

          Chủ tịch UBND huyện Nam Trực Lưu Quang Tuyển bày tỏ như có cả sự trả nghĩa: “Nam Trực còn rất nhiều khó khăn, còn bộn bề công việc đang làm và cần làm, nhưng Huyện ủy, UBND và cả hệ thống chính trị luôn quan tâm, ưu tiên cho giáo dục-đào tạo (GD-ĐT). Thật mừng là cùng với nỗ lực của ngành giáo dục, có hội khuyến học các cấp luôn đồng hành. Có khuyến học gần, khuyến học xa, khuyến học cả bằng vật chất và tinh thần, khuyến học bằng nêu gương…”.

          Tôi từng viết về khuyến học, nhưng chưa ở đâu nghe nói về khuyến học như ở đây. Chỉ là đôi lời khái quát mà có cả “lộ thiên” dễ hiểu, có điều phải ngẫm nghĩ, lại có cả sự trừu tượng… về khuyến học. Phần “lộ thiên” thì được Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đoàn Quang Vụ làm tươi mới: “Năm học 2020-2021, mặc dù toàn huyện là vùng xanh an toàn, nhưng việc dạy và học cũng luôn bị chi phối, khó khăn. Thật mừng, dù khó khăn, nhưng thành tích giáo dục của huyện không chỉ giữ vững, mà còn nhỉnh hơn năm học trước…”.

          Thời dịch giã, việc dạy và học gặp muôn vàn khó khăn, giữ được thành tích đã là khó, vậy mà ở Nam Trực, kết quả, thành tích giáo dục còn nhỉnh hơn. Nhỉnh hơn chỉ một vài rem cũng đáng quý lắm rồi. Năm học 2020-2021, thành tích GD-ĐT của Nam Định vẫn ở tốp đầu toàn quốc, mà Nam Trực cũng giành cờ đầu toàn tỉnh-thật vui, tốp đầu của tốp đầu! Số học sinh giỏi và đoạt giải cao ở các kỳ thi cấp tỉnh, cấp quốc gia của Nam Trực năm học qua vẫn cao hơn các năm trước. Ngày 28-8 vừa qua, huyện đã tổ chức trang trọng lễ tuyên dương, khen thưởng 179 học sinh được giải cao ở các cấp, tạo khí thế, niềm tin vượt khó cho năm học mới.

9

(Chủ tịch UBND huyện Nam Trực Lưu Quang Tuyển trao thưởng các em học sinh giỏi năm học 2020-2021 (ngày 28-8-2021).  Ảnh: HÙNG ANH )

          Đến xã Nam Cường, Chủ tịch UBND xã Vũ Xuân Bách mời ngay tôi thăm trường THCS. Đẹp quá! Độ chuẩn cấp quốc gia thể hiện ngay từ cổng trường. Dẫu thời xưa tôi không học ở mái trường này, dẫu đang hè nhà trường vắng vẻ, nhưng tôi lại có cảm giác thật lạ, như học sinh cũ thăm lại mái trường xưa. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Thanh Hài giới thiệu về mái trường cứ ăm ắp tự hào:

          – Đây là hệ thống nghe nhìn do Trung tướng Vũ Xuân Sinh, nguyên Tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an tặng.

            – Đây Quỹ học bổng mang tên GS, TS Nguyễn Kế Bính.

         – Phòng máy tính này là của anh Đoàn Đức Lăng, Giám đốc Công ty phần mềm Onesoft, Hà Nội tặng…

          Nghe thầy hiệu trưởng giới thiệu, nhìn các biển đỏ, tôi nghĩ ngay đến việc khuyến học bằng nêu gương, mà trước đó còn thấy trừu tượng. Tôi tự đặt tên-đây là biển khuyến học-kích học chứ không phải biển ghi danh! Bởi khi học, các em biết quý danh, đó là những người con quê hương, đều học hành từ mái trường này mà tung cánh thành giỏi, thành tài, là tướng lĩnh, giáo sư, tiến sĩ, là giám đốc, nhà doanh nghiệp… Chắc hẳn các em rất tự hào, trách nhiệm và tự tin học rèn. Chủ tịch UBND xã Vũ Xuân Bách còn khá trẻ, lại lịch lãm: “Tôi thì lại hưởng lộc nhiều hơn trong quân đội”. Tôi bất ngờ trong giây phút. Thế là anh Bách phải bật mí tức thì, sợ tôi hiểu nhầm. Hạ sĩ quan nghĩa vụ thì làm gì có lộc đất, lộc trời. Lộc khuyến học, khuyến rèn mà Binh chủng “Mở đường thắng lợi” tặng anh là chất lính, là tư cách, thế đứng đảng viên.

           Còn rất nhiều món quà, những công trình đã gắn biển và chưa gắn biển của những người con Nam Trực đang sinh sống, công tác khắp các miền đất nước và ở nước ngoài gửi về xây dựng trường học, quỹ khuyến học, tặng học bổng, học phí, đỡ đầu học sinh mồ côi, tật nguyền… Tất cả vì sự nghiệp trồng người trên quê hương. Các hội đồng hương huyện Nam Trực tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; cụ Phạm Định (TP Hồ Chí Minh), PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh (Hà Nội); Đại tướng, TS Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng; ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội; ông Vũ Văn Trường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc, Chủ nhiệm CLB Trí thức-doanh nhân Nam Trực tại Hà Nội; PGS, TS Hoàng Đình Phi; gia đình nhà giáo nghỉ hưu Nguyễn Chí Hiếu, cô Ngô Thị Ngọc Tâm (Hà Nội), nhà doanh nghiệp Phạm Bình Lưỡng (Hà Giang), bà Phương Thảo (Hoa Kỳ), ông Nguyễn Sang (Ba Lan); TS Đỗ Hoàng Sơn Giám đốc Công ty Long Minh; ông Lưu Xuân Thủy, phó chủ tịch tập đoàn Đèo Cả; bà Vũ Thị Thu Hà ( Hà nội),… đã hướng về quê hương, dành cho các lứa học sinh sự quan tâm, giúp đỡ cho cả hiện tại và tương lai. Tấm lòng ấy, món quà ấy giàu giá trị cả về vật chất và tinh thần, vừa thiết thực trong dạy và học, vừa nhân lên niềm tự hào và trách nhiệm học rèn, tiếp bước cha anh.

          Khuyến học xa, không chỉ là tấm lòng từ xa, mà còn xa về thời gian. Huyện thực hiện sớm việc giáo dục truyền thống hiếu học cho học sinh. 3 trạng nguyên là Trần Văn Bảo, Vũ Tuấn Chiêu, đặc biệt là Nguyễn Hiền đỗ đạt khi mới 13 tuổi-trạng nguyên trẻ nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam; đó là những hiền tài của quê hương Nam Trực, là gương sáng xuyên thời đại, để lớp lớp học sinh Nam Trực ngưỡng mộ, tự hào, noi theo. Nhiều trường học trong huyện thật tự hào khi được mang tên các trạng nguyên và nhiều người con ưu tú của Nam Trực trong thời đại Hồ Chí Minh.

          Nghĩ về khuyến học xa, tôi cũng nhớ ngay đến những bài thơ về mẹ, về cha của PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh. Những ý thơ, vần thơ của ông cứ cứa cắt, đau đáu nỗi lòng tri ân công cha nghĩa mẹ đã lam lũ, cơ hàn để con được học hành tử tế, nên người. “Đường làng nắng hè nung lửa… Oằn lưng thúng thóc mẹ bưng” và “Một thời nước trắng đồng chiêm/ Bóng cha phủ bóng con thuyền chênh chao”, chỉ để “Lầm lũi nuôi con ăn học/ Lòng mẹ thơm thảo, bao dung”; và trong sâu thẳm lòng cha “Nhắc thêm ở chốn thị thành/ Chớ quên đồng lúa nơi mình sinh ra…”.

           Cha mẹ đã thanh thản về với thế giới người hiền từ lâu, PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh không còn được báo đáp mẹ cha bằng sự ân cần chăm sóc, nhưng ông đã báo đáp, tri ân đấng sinh thành bằng sự học hành thành đạt, thành danh, bằng những vần thơ-nén nhang lòng tạc mãi. Nhớ lời mẹ cha, ông báo đáp, trả nghĩa cho người mẹ-quê hương với bao việc làm ý nghĩa, thiết thực.

          “Khuyến học xa mà thật gần, khuyến học gần mà cũng rất sâu xa”-tôi thật đồng cảm với ông Đặng Văn Châu, Chủ tịch Hội và ông Đỗ Văn Khắc, Phó chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học huyện Nam Trực, nghĩ và làm khuyến học như thế. Thật vui, những năm qua, công tác khuyến học của huyện có bước phát triển mới cả về bề rộng và chiều sâu, cả về tổ chức và hoạt động. Đến nay, từ thôn, làng, cơ quan đến cấp huyện đã cơ bản có ban, chi hội và hội khuyến học, ở đâu có tổ chức hội thì ở đó có quỹ khuyến học. 5 năm qua, quỹ khuyến học toàn huyện đạt gần 60 tỷ đồng. Hiện nay, huyện có gần 700 dòng họ, chi họ, xứ đạo, nhà chùa có ban khuyến học và hoạt động hiệu quả.

          Trước khi thăm chùa Đồng, xã Nam Hồng, tôi tự nhủ, đây là thời gian hiếm có để tĩnh tâm bên Đức Phật. Quả thực, tôi chỉ giữ được trạng thái ấy khi vãng cảnh chùa, còn khi ngồi thưa chuyện với Đại đức Thích Tục Quân, tôi quên ngay điều tự nhủ. Đại đức trụ trì hai chùa-chùa Đồng ở xã Nam Hồng và chùa Tiên Độ ở xã Nam Giang, đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khuyến học huyện Nam Trực, nên Đại đức có nhiều việc khi nhập thế khuyến học. Trong 14 điều Đức Phật dạy, thỉnh vào khuyến học, Đại đức hoan hỷ ở hai điều: Điều 10 “Tài sản lớn nhất của đời người là sức khỏe, trí tuệ” và Điều 13 “Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là kém hiểu biết”.

          Để có tài sản lớn nhất, không có khiếm khuyết lớn nhất thì chỉ có học, có tu dưỡng, luyện rèn, có viên mãn từ khuyến học, khuyến tài, khuyến thiện.

          Nhập tâm điều Phật dạy, soi thế ở phần đời, suốt 10 năm qua, Đại đức Thích Tục Quân đã phát tâm tặng toàn bộ học phí đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn từ lớp 6 đến lớp 9 của toàn xã Nam Hồng. Theo Đại đức, hiện nay còn nhiều em học sinh có hoàn cảnh rất khó khăn, khuyến học phải dành ưu tiên cho các em đó, như vậy việc khuyến học, việc học mới hoan hỷ vẹn toàn.

          Đức Phật và Đức Chúa đều khuyên nhủ người trần tâm sáng, lòng trong, làm điều tốt. Lời cụ Phạm Thị Tân năm xưa, điều tâm niệm của Đại đức Thích Tục Quân hôm nay đều coi trọng việc học và hướng tâm khuyến học. Sống tốt đời đẹp đạo, kính Chúa yêu nước đang hài hòa ở Nam Trực. Việc khuyến học cũng đều khắp các dòng họ bên giáo, bên lương, ở các nhà chùa, xứ đạo. Niềm vui trong khuyến học, trong giáo dục cũng thật tương đồng. Công tác khuyến học của huyện 5 năm qua được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, thành tích GD-ĐT của huyện cũng luôn giành cờ đầu toàn tỉnh.

          Năm học 2021-2022 đã đến, hiện Nam Trực là vùng xanh an toàn trước đại dịch Covid-19. Vì vậy, ngày khai trường, các em vẫn được tựu trường. Dẫu không thể tưng bừng, náo nức như xưa, nhưng đó vẫn là niềm vui, niềm hạnh phúc hơn nhiều các bạn, các đồng nghiệp ở những địa phương bệnh dịch đang hoành hành. Khuyến học lúc bình an ở Nam Trực đã tốt, thời dịch bệnh này càng phải làm tốt hơn. Tin là khuyến học gần, khuyến học xa… ở một miền quê hiếu học luôn đi trước, đi sâu, đi xa, đi đều mãi!…
Bút ký của TÔ THÀNH TUYÊN

Ban biên tập Phòng GD&ĐT sưu tầm