Giáo dục Hàn Quốc nổi tiếng với những quy tắc khắt khe, như lịch học chính thức đến thứ 7, giáo viên phải luân chuyển sau 5 năm, vị trí thứ bậc tiền bối – hậu bối trong giảng đường…

Nguồn: Báo Dân trí – Tác giả Nhật Chung Theo Education in South KoreaThe Korea Herald.

Giáo viên được phụ huynh và học sinh đánh giá xếp hạng

“Không thầy đố mày làm nên” là tôn chỉ đạo đức của người dân xứ sở kim chi. Có thể tiền lương mà các giáo viên được hưởng không quá cao nhưng địa vị của họ trong lòng học sinh cũng như trong xã hội luôn ở vị trí cao nhất. Những học vị cao như tiến sĩ, giáo sư trong các trường học được rất nhiều người ngưỡng mộ và coi là tầng lớp tinh túy.

Độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên là 65 dành cho cả nam hay nữ. Những nhà giáo lâu năm, giàu kinh nghiệm được hưởng lương cao hơn, quyền lợi tốt hơn và không phải dạy nhiều giờ trong tuần; thậm chí cả kỳ nghỉ lễ hay trợ cấp xã hội cũng hơn hẳn các công việc văn phòng.

1

Ở Hàn Quốc, giáo viên được coi là tầng lớp tinh túy của xã hội và được nhiều người tôn trọng

(Ảnh: Yonhap)

Mỗi nửa thập kỷ, các giáo viên Hàn Quốc phải luân chuyển công tác sang các trường học khác. Không chỉ giáo viên, mà cả hiệu trưởng và phó hiệu trưởng mỗi trường khi hết thời hạn 5 năm sẽ phải trải qua bài phân loại để chọn “bến đỗ” tiếp theo. Vì vậy mỗi năm, mỗi trường lại có một đội ngũ giáo viên mới.

Thông qua chu kỳ 5 năm, Chính phủ hy vọng tạo ra cơ hội bình đẳng cho giáo viên để công tác tại cả trường có cả điều kiện thuận lợi và khó khăn. Tại đất nước này, giáo viên được đánh giá bởi phụ huynh và học sinh thông qua xếp hạng của trường. Nhờ vậy, tất cả giáo viên đều được chọn lọc từ những đánh giá khách quan nhất.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng có một số trường được gọi là kiểu mẫu – nơi hội tụ những học sinh và giáo viên giỏi sẽ dạy học để các giáo viên nơi khác đến học tập.

Hàn Quốc còn là một nước rất coi trọng lễ nghĩa và thứ bậc của vị trí tiền bối – hậu bối. Hầu như hậu bối nào cũng phải thực hành lễ nghĩa và làm những công việc lặt vặt thay cho tiền bối. Sinh viên năm nhất thường cúi gập người 90 độ khi gặp tiền bối và giới thiệu đầy đủ về bản thân như tên là gì, sinh viên kỳ bao nhiêu…

Luật lệ khắt khe đối với học sinh

Trong khi hầu hết nước phương Tây coi việc trừng phạt học sinh là vi phạm pháp luật, hệ thống giáo dục Hàn Quốc nói chung và phụ huynh nói riêng không nghĩ đó là việc sai trái. Mặc dù được hạn chế, những hình phạt thân thể vẫn thi thoảng diễn ra. Tại một số trường học, những “cây gậy kỷ luật” được đặt sẵn trong góc lớp, dùng để đánh học sinh khi làm sai.

Mỗi sáng trước khi vào lớp, học sinh Hàn Quốc phải hoàn thành việc trực nhật. Các em sẽ chia thành nhóm nhỏ, thay nhau dọn dẹp phòng tắm, nhà vệ sinh, lớp học và sân trường. Mỗi học sinh phải có ý thức giữ gìn và chịu trách nhiệm về môi trường sống vì điều đó ảnh hưởng đến cả lớp.

Lịch học chính thức của học sinh Hàn Quốc bắt đầu từ thứ hai đến hết thứ Bảy, điều này gây ra áp lực rất lớn cho cả học sinh và giáo viên tại quốc gia này. Từ năm 2010, Chính phủ đã bắt đầu điều chỉnh và nới lỏng lịch học khi cho phép học sinh nghỉ hai ngày thứ Bảy trong tháng.

Với người Hàn, việc tháo bỏ giày dép bẩn trước khi bước vào nhà được coi là phép lịch sự tối thiểu và ở trường học cũng áp dụng quy tắc này. Trước khi vào lớp, học sinh Hàn Quốc phải cất giày vào tủ và chuyển sang sử dụng giày dép chuyên dụng trong lớp học.

Nhiều trường học tại Hàn Quốc có những quy định chặt chẽ về trang phục của học sinh như bắt buộc phải mặc đồng phục khi đến trường, không đeo trang sức, không trang điểm, không nhuộm tóc…

2

Trường học Hàn Quốc áp dụng những luật lệ khắt khe lên học sinh (Ảnh: Yonhap)

Theo dữ liệu do Văn phòng Giáo dục Seoul thống kê trong tháng 6/2021, có 31 trong tổng số 129 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông nữ tại đây vẫn còn giữ các quy định về “đồng phục nội y” như một phần quy tắc ứng xử.

Các trường này đã đưa ra nhiều quy định liên quan tới nội y của học sinh, bao gồm: “Học sinh phải mặc nội y màu trắng, không có hoa văn”, “Áo lót hở lưng không được chấp nhận”; “Áo bên ngoài phải đủ dài để khi hoạt động không để lộ nội y”…

Nhiều trường đến nay vẫn giữ các quy định bị cho là cứng nhắc này với lý do “truyền thống lâu đời của trường”. Về mặt tích cực, việc quy định đồng phục nội y tạo nên hình ảnh chỉn chu cho các nữ sinh.

3

Việc kiểm tra nội y khiến các nữ sinh cảm thấy bị vi phạm quyền riêng tư (Ảnh: Shutterstock)

Tuy nhiên, những phản ứng tiêu cực có phần nhiều hơn. Sau khi tiếp nhận những ý kiến của học sinh, Văn phòng Giáo dục Seoul đã quyết định sẽ tham vấn cho các trường học để dần nới lỏng, tiến tới loại bỏ hẳn các quy tắc trên và tiến hành một cuộc điều tra chính thức nếu các trường không sửa đổi luật lệ “đồng phục nội y”.

Hàn Quốc không phải quốc gia duy nhất áp dụng các quy định khắt khe đối với nội y học sinh. Nhật Bản cũng được biết đến với các quy tắc học đường kỳ lạ nhất. Trong đó, nữ sinh tại nhiều trường trung học Nhật Bản cũng phải mặc “đồng phục nội y” màu trắng để tránh bị lộ màu áo bên trong áo đồng phục.

Sưu tầm: Ban Biên tập Phòng Giáo dục và Đào tạo