Bản chất của “Văn hóa học đường” là gì, sao thực hiện khó thế?

Nguồn: Báo Dân trí – tác giả: Phạm Hồng Quang – GS.TS Khoa học giáo dục, Giám đốc ĐH Thái Nguyên. 

Mục tiêu chung nhất của văn hóa học đường là xây dựng trường học lành mạnh, các mối quan hệ thân thiện và chất lượng giáo dục thật.

Văn hóa học đường xuất hiện khi nào?

Thuật ngữ văn hóa học đường (School culture) xuất hiện trong những năm 1990 trong một số nước như Anh, Mỹ, Úc…và dần dần trở nên phổ biến trên thế giới với ý nghĩa tổng quát: Văn hóa học đường là những giá trị, những kinh nghiệm lịch sử của xã hội loài người đã tích lũy trong quá trình xây dựng hệ thống giáo dục và quá trình hình thành nhân cách.

Theo Giáo sư Viện sĩ Phạm Minh Hạc: “Văn hóa học đường là hệ các chuẩn mực, giá trị giúp cán bộ quản lý nhà trường, thầy cô giáo, các vị phụ huynh và các em học sinh, sinh viên có các cách thức suy nghĩ, tình cảm, hành động tốt đẹp”.

Mục tiêu chung nhất của văn hóa học đường là xây dựng trường học lành mạnh, các mối quan hệ thân thiện và chất lượng giáo dục thật.

Tùy theo tính chất nhà trường phổ thông hoặc sau phổ thông, mỗi trường học đều ban hành mục tiêu, nội dung văn hóa học đường cụ thể. Các trường xây dựng một hệ chuẩn mực, giá trị phù hợp với mục tiêu chung và được các thành viên trong nhà trường tham gia xây dựng với những biện pháp tổ chức thực hiện. Hệ chuẩn mực, giá trị đó phù hợp với các giá trị truyền thống, phong tục của địa phương, cộng đồng.

Văn hóa học đường ở mỗi nhà trường chính là chất lượng, uy tín giáo dục và đây là yếu tố tạo niềm tin cho xã hội trong việc thực hiện chức năng sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Sản phẩm của nhà trường là con người được giáo dục, những người công dân tốt, nguồn nhân lực có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Vấn đề đặt ra là làm sao chuyển vốn học vấn thành vốn văn hóa; từ tri thức, kỹ năng sang thái độ giá trị nhân cách. Giáo dục trước hết và cuối cùng là nhằm phát triển con người, hình thành ở mỗi người nhân cách văn hóa. Từ đây, mỗi nhà trường sẽ là tấm gương dẫn dắt cho các tổ chức, cá nhân trong xã hội, cộng đồng noi theo.

1

Hoàn thiện, phát triển văn hóa học đường cũng chính là nhiệm vụ phát triển môi trường giáo dục (Ảnh: Dân trí).

Môi trường là yếu tố quyết định

Hoàn thiện, phát triển văn hóa học đường cũng chính là nhiệm vụ phát triển môi trường giáo dục. Cơ sở lí luận khoa học giáo dục đã xác định rõ vai trò của các nhân tố đối với sự hình thành và phát triển nhân cách con người, đó là: Yếu tố sinh học – di truyền làm nền tảng, yếu tố môi trường là quyết định, yếu tố giáo dục giữ vai trò chủ đạo (chủ đạo với yếu tố di truyền, môi trường và cá nhân), nhưng yếu tố tự hoạt động của cá nhân là yếu tố quyết định trực tiếp.

Môi trường văn hóa học đường là nơi mà mỗi cá nhân hoạt động trong đó thể hiện mình một cách thuận lợi nhất vì mục tiêu chung của cộng đồng.

Môi trường văn hóa học đường gồm cả môi trường địa lý tự nhiên, môi trường vật lý, môi trường tâm lý, ứng xử, giao tiếp… mà mỗi thành viên trong đó đều có nhiều hoạt động thể hiện mình.

Môi trường đó cũng là nơi chốn (thời gian, không gian) với các đối tượng mà mọi người trong xã hội khách quan đều nhìn thấy, đánh giá và cảm nhận được. Môi trường văn hóa học đường thường được đánh giá là chuẩn mực, chất lượng và là nơi bảo đảm cho các thành tố cơ bản của chất lượng con người được hình thành vững chắc.

Chất lượng giáo dục phải được nhìn từ khía cạnh vai trò dẫn dắt của giáo dục nhà trường đối với xã hội. Cụ thể trong nhà trường thì vấn đề ứng xử người – người quan hệ tương tác giữa giáo viên và người học là quan hệ chuẩn mực.

Các quy tắc ứng xử được quy định trong hệ thống các yêu cầu, được xác định là các chuẩn mực đạo đức, văn hóa công sở…là tiêu chuẩn để đánh giá, quy chiếu và lan tỏa cho mọi hành vi ứng xử của các thành viên trong nhà trường. Bao trùm các quy tắc ấy là hệ giá trị cơ bản được các trường học từ phổ thông đến đại học viết ra ở dạng triết lí, mục tiêu, sứ mạng, tầm nhìn rất đa dạng và phong phú thể hiện ở hàng chục giá trị cốt lõi.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, đọng lại các giá trị lõi: dân chủ, sáng tạo, trách nhiệm và dẫn dắt… Các giá trị này thể hiện vị thế của đơn vị trường học có đặc trưng so với các hệ thống khác. Song điều quan trọng hơn là triết lí, mục tiêu, sứ mạng, tầm nhìn…của các trường phải được thực hiện trong các nội dung hoạt động của từng nhà trường.

2

Cần tiếp cận văn hóa – giá trị một cách đồng bộ về mục tiêu học từ cộng đồng, từ gia đình và xã hội để xóa đi nỗi “ám ảnh” nặng nề việc khoa cử và bằng cấp (Ảnh: Ngọc Diệp).

Trọng năng lực hơn bằng cấp

Nghiên cứu phát triển môi trường giáo dục là nội dung trọng tâm của khoa học giáo dục hiện đại; các tiêu chí của môi trường có tác dụng định hướng phát triển, là điều kiện đảm bảo chất lượng và là nhân tố cực kì quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách con người.

Bản chất của việc tạo lập môi trường giáo dục hiện đại chính là thể hiện tinh thần dân chủ hóa nhà trường, kích thích sáng tạo và góp phần thực hiện cuộc vận động trường học thân thiện, học sinh tích cực, là điều kiện cơ bản để hiện thực hóa chủ trương đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Về nguyên tắc, yếu tố tạo nên tính chất quyết định của môi trường chủ yếu bởi mức độ tham gia của cá nhân chủ động chiếm lĩnh, tiếp thụ, chuyển hóa các điều kiện bên ngoài trở thành động lực bên trong của chủ thể. Hay nói một cách khác, hoạt động của chủ thể nhân cách là thành tố quyết định trực tiếp đối với sự hình thành và phát triển của nhân cách đó.

Do vậy, các quan điểm tự giáo dục, tự học, tự quản, tự đánh giá… được hình thành ở người học (được coi là kết quả bền vững của giáo dục) chính là sự tôn trọng quy luật này. Giáo dục nhân cách chỉ có thể được coi là phát triển bền vững khi các thành phần giáo dục làm cho chủ thể đạt được kết quả bởi hoạt động của chính bản thân con người.

Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông nhằm mục tiêu giáo dục nhân cách. Do vậy, chương trình giáo dục phổ thông mới cần được xây dựng dựa trên triết lí nhân văn “Tất cả cho con người, tất cả vì con người“. Nội dung học vấn dựa trên nền tảng văn hóa của nhân loại, làm cho người học nhận ra ý nghĩa của nội dung học vấn có tác dụng thực sự đối với sự phát triển của cá nhân.

Do vậy, định hướng lồng ghép và tích hợp vào chương trình môn học là xu thế tất yếu; tác dụng và ý nghĩa của nó thể hiện rõ ở mục tiêu giáo dục, ở nội dung và phương pháp giáo dục và phương thức đánh giá. Sử dụng có hiệu quả tri thức địa phương và kinh nghiệm của người học; thay đổi nhận thức xã hội về giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp – việc làm cho thanh niên.

Đây thực sự là một cuộc cách mạng trong nhận thức xã hội, là quá trình và sự thay đổi mang đậm tính chất văn hóa đòi hỏi sự cộng hưởng của toàn xã hội đồng thuận về dư luận, về sự tôn vinh các giá trị lao động, về kết quả của sự tiến bộ của con người quan trọng hơn sự thành đạt về bằng cấp.

Cần tăng cường giáo dục nhận thức xã hội (cụ thể là cho học sinh và gia đình học sinh) về việc có được nền tảng học vấn phổ thông – nghề nghiệp rất quan trọng trong cuộc sống, đây chính là nền tảng để con người trưởng thành trong xã hội luôn thay đổi.

Cần tiếp cận văn hóa – giá trị một cách đồng bộ về mục tiêu học từ cộng đồng, từ gia đình và xã hội để xóa đi nỗi “ám ảnh” nặng nề việc khoa cử và bằng cấp. Việc đổi mới đánh giá kết quả học tập phải đồng bộ trong quá trình triển khai chương trình mới để mỗi học sinh đều nhận được sự trân trọng về kết quả học tập của mình và tự đánh giá đúng năng lực của mình.

Học tập tấm gương Bác Hồ, từ ý chí và nỗ lực tự học trong suốt cuộc đời của Người đều thấm sâu quan điểm học tập tiến bộ: “Học để làm việc, để làm người, làm cán bộ“. Điều này đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chương trình làm việc của Thủ tướng với Bộ GD-ĐT ngày 6/5/2021 nhấn mạnh yêu cầu: “học thật, thi thật, nhân tài thật“.

 3

Về bản chất là trở lại chức năng cơ bản của giáo dục, “giáo dục là dẫn con người vượt ra khỏi hiện tại của họ để vươn tới những gì hoàn thiện, tốt lành hơn và hạnh phúc hơn…” (Ảnh: Dân trí).

Giáo dục nhà trường không phải là nhân tố duy nhất quyết định trực tiếp đến chất lượng con người

Giá trị của văn hóa học đường thể hiện ở mục tiêu, sứ mạng, tầm nhìn của các nhà trường phải dựa trên nền tảng mục tiêu của Luật Giáo dục (2019) đã xác định là mục tiêu “Phát triển toàn diện con người…).

Từ sự thay đổi này, tư tưởng giáo dục mới sẽ được triển khai đúng về mục tiêu, chương trình, phương thức, cách đánh giá cũng như mọi hoạt động của người dạy và người học…đều phải thẩm thấu triết lí, mục tiêu, giá trị và tầm nhìn của nhà trường hiện đại.

Văn hóa học đường chính là môi trường giáo dục hiện đại trong đó hoạt động cốt lõi của nhà trường là sáng tạo, trách nhiệm và dẫn dắt xã hội. Để khơi dậy khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ trong nhà trường (phổ thông và đại học) điều quan trọng là phải xây dựng môi trường học tập – sáng tạo, môi trường làm việc –  dân chủ để họ có chỗ cống hiến trong thực tiễn lao động. Đồng thời là chính sách việc làm, khởi nghiệp sáng tạo và các cơ chế đảm bảo.

Phải tiếp cận giá trị – văn hóa khi đánh giá chất lượng giáo dục. Chọn lọc các giá trị cốt lõi để thẩm thấu vào nội dung, đưa vào chương trình giáo dục; thay đổi thói quen của xã hội về giá trị học vấn, bằng cấp, thi cử…để hiểu chất lượng giáo dục là một quá trình tích tụ lâu dài, bền bỉ và phụ thuộc vào sự nỗ lực của chủ thể người học.

Nhận thức đúng về mục tiêu giáo dục là phát triển toàn diện con người – chính là sự thay đổi căn bản, bởi chỉ có sự thay đổi này, mới có thể phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân.

Về bản chất là trở lại chức năng cơ bản của giáo dục, “giáo dục là dẫn con người vượt ra khỏi hiện tại của họ để vươn tới những gì hoàn thiện, tốt lành hơn và hạnh phúc hơn…”.

Nội hàm giáo dục được hiểu rộng hơn, hàm chứa tư tưởng tạo điều kiện (tự học) để con người phát triển hơn là phạm vi hẹp trong chương trình đào tạo của nhà trường. Giáo dục mở đã tạo ra những suy nghĩ khác: Người dạy không duy nhất là giáo viên, người học không nhất thiết phải cùng độ tuổi, học liệu không chỉ là sách giáo khoa, kết quả học không chỉ là điểm số, lớp học không đồng nhất là không gian, thời gian cụ thể…

Với tư tưởng phát triển toàn diện con người thì giáo dục gia đình, giáo dục xã hội cần phải được xem là thành phần hữu cơ trong quan hệ với giáo dục nhà trường.

Giáo dục nhà trường không phải là nhân tố duy nhất quyết định trực tiếp đến chất lượng con người. Hiểu đúng điều này để xác nhận sự đóng góp của giáo dục đối với phát triển con người là tạo cơ hội và điều kiện là chủ yếu, thúc đẩy các nhân tố tích cực để quá trình phát triển nhân cách phải do chính con người quyết định…

Từ đây, gỡ bỏ cách hiểu không đúng về trách nhiệm nhà trường là duy nhất hoặc giáo dục là “vạn năng” đối với sự phát triển của con người.

Nền tảng tư tưởng “phát triển toàn diện con người” đã tạo điều kiện để xây dựng một nền giáo dục mở, xây dựng một xã hội học tập.

Giáo dục mở trước hết xuất phát từ con người, cho con người và vì con người (tư tưởng nhân văn); đảm bảo cho tư tưởng khai phóng (tự do cá nhân); mở là coi trọng thực tiễn (thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lí); mở là tạo không gian và thời gian, điều kiện để chủ thể chủ động, tích cực tham gia.

Chỉ trong điều kiện này, các giá trị văn hóa học đường mới được thể hiện, nhà trường mới khẳng định được giá trị của mình với xã hội.

4

Phạm Hồng Quang – GS.TS Khoa học giáo dục, Giám đốc ĐH Thái Nguyên (Ảnh: CTV).

Muốn làm tốt “Văn hóa học đường” cần thực hiện:

– Quy hoạch mạng lưới giáo dục phổ thông và đại học.

– Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên năng lực cốt lõi là năng lực phát triển chương trình– đây là chiến lược bền vững, giải quyết tận gốc mọi vấn đề, từ sử dụng học liệu trong thời đại 4.0 đến cách dạy, cách đánh giá, giải quyết các vấn đề tâm lí – xã hội…) và SGK được soạn theo quan điểm quốc tế: “cuốn sách mỏng chứa đựng ý tưởng lớn“.

– Truyền thông phải là công cụ giáo dục mạnh, cùng tạo ra sự đồng cảm, chia sẻ mọi vấn đề của nhà trường với xã hội.

– Cơ sở giáo dục phổ thông và đại học cần được ưu tiên về đất, về điều kiện cơ sở vật chất.

– Giáo dục phổ thông cần được miễn phí hoàn toàn.

– Cần quan tâm đặc biệt đến các vùng nông thôn, miền núi, vùng chậm phát triển cần có chương trình giáo dục riêng.

– Giáo dục đại học được tự chủ cao.

– Xây dựng chính sách tạo động lực làm việc của đội ngũ giảng viên bằng chính sách: tăng lương, môi trường làm việc sáng tạo và cơ hội thăng tiến.

Sưu tầm: Ban Biên tập Phòng Giáo dục và Đào tạo